Giá ốc hương trên thị trường hiện nay là 240.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cách đây 4 tháng nhưng người nuôi loại hải sản này ở TX Sông Cầu không có hàng để bán. Nguyên nhân là do cuối năm ngoái, mưa lũ bất thường làm cho ốc hương chết nhiều, người nuôi không còn con giống “gối đầu” qua năm nay.
Ông Trần Văn Tuấn, một người nuôi ốc hương ở Vũng Dông (vịnh Xuân Đài), cho biết: Tôi có cặp đìa nuôi ốc hương, mỗi đìa rộng gần một mẫu. Vừa rồi, giá ốc hương tăng mạnh lên đến 240.000 đồng/kg, tôi xuất bán 1 đìa với “sai 150” (150 con/kg), thu trên 900 triệu đồng. Còn đìa thứ 2, vì gia đình thả con giống muộn nên hiện ốc chưa đủ “sai” để bán. Theo ông Tuấn, cuối năm ngoái, giá ốc hương chỉ có 100.000 đồng/kg, nay tăng lên hơn gấp đôi nhưng người nuôi không có ốc hương thương phẩm để bán. Nguyên nhân là do đợt lụt cuối năm làm ốc hương nuôi ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) bị sốc nước ngọt chết sạch; còn bên vịnh Xuân Đài thì xảy ra dịch bệnh, ốc chết nên người nuôi không có con giống “gối đầu” qua năm sau.
Ông Bùi Thanh Hóa ở xã Xuân Cảnh, nuôi ốc hương trên đầm Cù Mông, buồn bã nói: Năm ngoái, tôi nuôi ốc hương được trên 6 tháng tuổi, đủ “sai” (size) định bán nhưng giá thấp quá nên tôi ráng nuôi thêm chờ giá. Không ngờ lụt ập xuống, ốc nuôi ăn đến miệng rồi mà còn chết sạch, lỗ hàng trăm triệu đồng. Cũng theo ông Hóa, nuôi ốc hương năm trúng thì lãi lớn, năm trật thì lỗ nặng. Với giá ốc hương như hiện nay, một tấn ốc hương thương phẩm thu 2,4 tỉ đồng. Trung bình một đìa rộng 1 mẫu trừ hao hụt (tùy theo vụ nuôi) thu 1 tấn ốc. Tuy nhiên, khâu đầu tư cũng rất lớn, một ngày ốc ăn 5 tạ thức ăn, với giá 20.000 đồng/kg, mất 10 triệu đồng, một tháng chi phí thức ăn lên đến 300 triệu đồng. Vì vậy, chỉ cần nuôi 3 tháng mà ốc chết là lỗ gần 1 tỉ đồng, đó là chưa kể tiền thuê, cải tạo đìa.
Cạnh đó, ông Lâm Văn Tính, đang thả giống nuôi ốc hương cho hay, ông vừa đầu tư 100 triệu đồng thả 10 vạn con giống và 100 triệu đồng thuê chở 100 xe cát cải tạo đìa, cộng với 10 triệu đồng tiền mua lưới cọc bao quanh hồ. “Người nuôi ốc hương phập phồng, vì quá trình nuôi, nguồn nước bị ô nhiễm và con giống không đạt. Nuôi ốc hương phụ thuộc rất nhiều vào con giống, 2 đìa liền kề, cùng thả một thời điểm, cùng cho ăn như nhau nhưng giống mua 2 nơi (2 nguồn giống) nuôi đến tháng thứ 6 thì trọng lượng khác nhau. Đó là chưa kể quá trình nuôi gặp nguồn nước ô nhiễm, ốc chết hao hụt từ 50-70%, có lúc chết sạch đìa, người nuôi lỗ nặng”, ông Tính nói.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, diện tích nuôi ốc hương trên địa bàn thị xã khoảng 13ha. Tuy nhiên, thời gian qua, hầu hết người nuôi loại hải sản này đều tự phát, chưa tuân theo quy hoạch. “Nuôi ốc hương cần tuân thủ theo lịch thời vụ, địa điểm đã quy hoạch vùng nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Người dân nên nuôi ốc hương với mật độ thưa và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được ngành chức năng kiểm dịch để ốc phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Có như thế, nghề nuôi ốc hương thương phẩm mới phát triển bền vững”, ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, nói.
TRÂM TRÂN