Thời gian qua, trong quá trình hoạt động, các HTX gặp vướng mắc về thuế, phí, kinh phí hỗ trợ… Trước những vấn đề này, các địa phương, đơn vị liên quan đã đồng hành, tìm cách giải quyết, giúp các HTX yên tâm hoạt động.
Vướng về thuế, phí
Theo HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), nhiều năm nay, quyền lợi của HTX không được đảm bảo khi kinh phí chống hạn năm 2015 HTX bỏ ra vẫn chưa được nhận lại. Ông Lê Xuân Đức, Giám đốc HTX này, cho biết: Năm 2015, HTX đã huy động nhân công, máy bơm và kéo điện để đưa nước về đồng giúp bà con cứu lúa. Riêng tiền điện phục vụ chống hạn, HTX chi hơn 100 triệu đồng. Vào tháng 3, 4/2015, để trả một phần tiền điện cho ngành Điện, HTX đã phải vay ngân hàng 40 triệu đồng; số tiền còn lại đơn vị khất nợ để chờ kinh phí chống hạn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, HTX vẫn chưa nhận được tiền nên phải tiếp tục vay ngân hàng 60 triệu đồng đóng tiền điện. Năm 2016, HTX phải trích quỹ sản xuất kinh doanh ra trả lãi suất ngân hàng hàng tháng. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì HTX sẽ không có nguồn để thanh toán cũng như không đủ khả năng duy trì hoạt động.
Một số HTX khác thì đang gặp khó khăn về việc nộp thuế. Ông Nguyễn Diễn, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Yên Phú (TP Tuy Hòa), cho biết: Năm 2015, chúng tôi nộp ngân sách 230 triệu đồng. Năm 2016, HTX nộp tới 480 triệu đồng, trong khi số đầu xe không tăng. Cụ thể, năm 2015, mỗi đầu xe 16 chỗ HTX chịu thuế khoán 12,7 triệu đồng. HTX được quyền xuất hóa đơn trong phạm vi khoán và chỉ phải đóng thuế 4,5% khi vượt khoán. Nhưng qua năm 2016, mỗi đầu xe chịu mức khoán tăng 7%, đồng thời HTX không được xuất hóa đơn và phải chịu thuế hoàn toàn. Việc tăng mức thuế khoán đã làm tăng số tiền nộp thuế thêm 250 triệu đồng trong 1 năm. Thành viên HTX không hiểu căn cứ nào mà họ bị tăng mức thuế khoán lên 7%, còn HTX thì phải chịu thuế chồng thuế mà không được bất kỳ quyền lợi gì.
Ngoài những khó khăn nêu trên, nhiều HTX còn kiến nghị tăng mức thu phí đối với một số dịch vụ để đảm bảo thu đủ chi. Trong đó, 84 HTX nông nghiệp muốn tăng mức thu phí thủy lợi nội đồng, 14 HTX có dịch vụ môi trường cũng muốn tăng phí thu gom rác thải. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), cho biết: Từ tháng 7/2013, đơn vị thu phí thủy lợi nội đồng theo quyết định của UBND tỉnh với trần mức thu 420.000 đồng/ha/vụ. Trên thực tế, mức thu này chỉ phù hợp với thời điểm năm 2013 khi mà công trả cho lao động bơm tưới đồng ruộng 80.000-100.000 đồng/ngày. Còn 2 năm trở lại đây, HTX đã phải trả cho lao động ở mức 180.000 đồng/ngày nên HTX phải xuất vốn kinh doanh ra để bù lỗ. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), thì mức thu phí vệ sinh môi trường từ 5.000-8.000 đồng theo quyết định của HĐND tỉnh không còn phù hợp. Vì ngoài chi phí như lương, bảo hộ lao động, bảo dưỡng xe…, HTX còn phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%, nên dẫn tới tình trạng thu không đủ chi.
Chung tay tháo gỡ
Liên quan tới vướng mắc của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp thị trấn La Hai, theo UBND huyện Đồng Xuân, tháng 8/2016, UBND tỉnh ban hành quyết định bổ sung dự toán cho các địa phương khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2015-2016. Theo đó, huyện được hỗ trợ hơn 316 triệu đồng. Tuy nhiên cho đến nay, địa phương này vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ tỉnh nên chưa thể phân bổ kinh phí tới từng đơn vị thực hiện, trong đó có HTX thị trấn La Hai.
Đối với phí các dịch vụ, ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho hay: Các HTX cần cân đối phần thu theo quy định của tỉnh. Trong trường hợp HTX thu không đủ chi thì đưa ra đại hội thành viên lấy ý kiến biểu quyết để thu thêm phí từ các hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khác. Riêng các HTX có dịch vụ thu gom rác thải có thể cộng cả tiền thuế giá trị gia tăng vào tổng chi để tính phí vệ sinh cho các hộ sử dụng.
Còn liên quan đến cách tính thuế cho các đầu xe kinh doanh vận tải, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Căn cứ Thông tư 92 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân kinh doanh, trường hợp của HTX Yên Phú, năm 2015, cơ quan thuế lập bộ doanh thu thuế khoán 13,23 triệu đồng/tháng, thuế GTGT, TNCN 595.350 đồng/tháng (mức thuế suất 4,5%). Sang năm 2016, cơ quan thuế lập bộ doanh thu 13,5 triệu đồng/tháng, thuế GTGT, TNCN 607.500 đồng/tháng (mức thuế suất 4,5%). Như vậy, mức thuế suất khoán thuế GTGT, TNCN phải nộp năm 2015 và 2016 của dịch vụ vận tải là như nhau, không có việc tăng từ 4,5% lên 7% như HTX đã nêu. Đối với doanh thu tính thuế năm 2016, căn cứ vào thực tế điều tra khảo sát mức doanh thu của hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các sở ngành liên quan, cơ quan thuế áp dụng mức 13,5 triệu đồng/tháng, tăng hơn năm 2015 là 270.000 đồng/tháng, tăng 2%. Đối với việc tính thuế trên doanh thu khi cá nhân có nhu cầu sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì Thông tư 92 của Bộ Tài chính quy định, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế, ngoài mức thuế theo doanh thu khoán, cá nhân phải nộp thuế căn cứ vào doanh thu trên hóa đơn. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 thống nhất trên cả nước. Do đó kể từ năm 2016, trường hợp thành viên HTX có nhu cầu sử dụng hóa đơn để thanh toán cho khách hàng thì ngoài việc thành viên nộp thuế doanh thu khoán còn phải nộp thuế theo doanh thu trên hóa đơn.
MINH DUYÊN