Do tình hình thiên tai phức tạp nên năm 2016, Phú Yên bị thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Để chủ động phòng, tránh thiên tai năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương khắc phục những tồn tại, chủ động xây dựng phương án phòng, tránh sát với tình hình thực tế.
Rút kinh nghiệm năm cũ
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, diễn biến thiên tai năm 2016 trên địa bàn tỉnh rất phức tạp. Trong năm, tình hình nắng hạn xảy ra trên diện rộng làm hơn 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.580ha lúa bị khô hạn. Cuối năm, mưa lũ kéo dài lại khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; nhiều tuyến giao thông, công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng. Ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Khi thiên tai, mưa lũ xảy ra, một số người dân vẫn còn chủ quan, chưa chủ động phòng, tránh. Nhiều hộ chăn nuôi gia súc ở các bãi bồi ven sông vẫn không chịu di dời vật nuôi trước mùa mưa bão nên khi lũ đổ về đã gây thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khu dân cư gần sông nên rất nguy hiểm khi lũ lụt xảy ra. Các địa phương cần tiếp tục xây dựng các khu tái định cư để di dời các hộ dân ở gần sông, vùng trũng thấp đến định cư ổn định nhằm hạn chế thiệt hại do lũ lụt.
Còn theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, lâu nay, tại khu vực xã An Hiệp (huyện Tuy An) chưa bao giờ xảy ra tình trạng lũ quét, nhưng năm vừa rồi lại xuất hiện. Nhờ địa phương chuẩn bị tốt phương án ứng phó 4 tại chỗ nên lũ quét không gây thiệt hại về người. Qua đây, huyện rút ra được bài học là phải bố trí các phương tiện cứu sinh phù hợp cho từng khu vực và cần thiết bố trí ca nô sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực giống như xã An Hiệp. Địa phương kiến nghị tỉnh và Trung ương cần trang bị ca nô ở tất cả các địa bàn chứ không chỉ bố trí ca nô ở các khu vực ven sông. Nhà nước cũng cần tiếp tục hỗ trợ xây nhà tránh lũ ở các vùng dân cư trũng thấp, thường bị ngập lụt, vì thời gian qua các nhà tránh lũ được đầu tư đã phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho hay: Ban đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho Phú Yên khoảng 177 tỉ đồng để hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khắc phục các công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng do thiên tai năm 2016. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ 12 xuồng cao su gắn máy, 1 ô tô chuyên dùng cứu hộ, 2 ca nô ST750 (245CV/chiếc), 4 ca nô ST660 (85CV/chiếc), 12 máy phát điện loại 0,5kW và nhiều trang thiết bị khác phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong năm 2017.
Sớm chủ động chống hạn
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do hiện tượng ENSO đang nghiêng về pha lạnh La Nina, nên năm nay nắng nóng xảy ra ở Phú Yên muộn với tần suất và cường độ nóng giảm hơn so với năm 2016. Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Mặc dù dự báo năm nay tình hình nắng hạn không gay gắt như năm 2016, nhưng địa phương vẫn đang xây dựng và triển khai phương án phòng, chống hạn, đặc biệt là giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân những vùng có khả năng thiếu nước. TX Sông Cầu kiến nghị tỉnh cần có kế hoạch và hỗ trợ kịp thời khi hạn hán xảy ra. Còn ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay hai xã Xuân Quang 2 và Xuân Lãnh trên địa bàn huyện có khả năng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này. Tại xã Xuân Quang 2, tỉnh có chủ trương cho sửa chữa, nâng cấp công trình nước lấy nguồn nước từ sông Kỳ Lộ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Tại xã Xuân Lãnh, tỉnh cũng có chủ trương cho xây dựng công trình nước lấy nguồn nước từ hồ chứa nước Kỳ Châu và đến nay cũng chưa thực hiện. Để chủ động cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, UBND huyện Đồng Xuân kiến nghị tỉnh sớm đầu tư hai dự án này…
Theo ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, trước mắt, các địa phương cần kiểm tra và bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng để các công trình nước sinh hoạt hoạt động thường xuyên, cung cấp nước đạt hiệu quả. Về lâu dài, tỉnh cần tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nước sạch nông thôn để tiếp tục đầu tư một số công trình ở các khu vực dân cư thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh cũng cần có kế hoạch đầu tư nâng cấp các công trình nước kém hiệu quả, đảm bảo cấp nước bền vững. Các địa phương nên lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, mở rộng một số công trình cấp nước nông thôn tập trung.
Để chủ động phòng, tránh thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương sớm tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Các địa phương cần chủ động phòng, tránh thiên tai; xây dựng phương án cụ thể, chi tiết trong công tác phòng, tránh lũ lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn… sát với tình hình thực tế của ngành, địa phương mình.
Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng |
ANH NGỌC - LỆ QUYÊN