Chống thất thu thuế không phải là vấn đề mới, song hiện nay việc gian lận thương mại luôn trong tình trạng báo động. Vì vậy, vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Giải pháp nào cho việc “chống” nói trên có hiệu quả?
Quản lý thuế bằng công nghệ thông tin ở Cục thuế Phú Yên – Ảnh: MINH KÝ
“MA TRẬN” TRỐN THUẾ
Hiện nay, hành vi chây ỳ nợ thuế của tổ chức, cá nhân vẫn đang làm thất thoát một khoản thu không nhỏ cho Nhà nước. Theo thống kê của ngành thuế, số tiền nợ đọng thuế do các tổ chức và cá nhân chây ỳ từ năm 1990 (thời điểm chúng ta có Luật) đến nay vào khoảng 1.500 tỉ đồng. Đây là con số trong danh sách và còn những đối tượng đáng lẽ phải nộp thuế nhưng vẫn “lọt” vòng kiểm soát thì không thể đong, đo, đếm được.
Chây ỳ thuế chưa phải là vấn đề không thể giải quyết được. Bởi Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đang hoàn tất thông tư về xử lý nợ đọng thuế, cưỡng chế thuế. Trong đó, đưa ra một loạt biện pháp cưỡng chế như phong tỏa tài khoản, rút đăng ký kinh doanh, đình chỉ việc bán hóa đơn, kê biên tài sản và tổ chức bán đấu giá để thu hồi tiền thuế cho Nhà nước.
Ngành thuế đang đứng trước những thách thức mới. Theo dự báo của các nhà chuyên môn, tình trạng vi phạm pháp luật, phạm tội trong lĩnh vực thuế ngày càng diễn biến phức tạp. Không chỉ dừng lại ở những vi phạm, tội phạm về thuế thông thường như: Thành lập doanh nghiệp “ma”, gian lận thương mại trong các ký kết hợp đồng kinh tế ngoại thương, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế... mà sẽ xuất hiện nhiều hành vi tội phạm mới, chẳng hạn: Gian lận hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, gian lận thuế trong các ngành kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh Internet,... Như vậy, có nghĩa tội phạm thuế như một trận đồ bát quái và sự thất thoát thuế sẽ trở nên khổng lồ nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.
“CHỐNG” NHƯ THẾ CÓ KHẢ QUAN?
Chúng ta đã, đang có những biện pháp chống thất thu thuế nhưng vẫn chỉ như muối bỏ biển. Đơn cử về việc trốn thuế thu nhập cao. Với những đối tượng như: Bác sĩ, ca sĩ hay những người làm tự do có thu nhập cao, lấy gì để làm căn cứ cho việc tính thu nhập của họ? Bởi đằng sau những khoản thu chính thống (lương, hợp đồng, bồi dưỡng...) thì có rất nhiều khoản thu thêm khác. Luật Thuế thu nhập cá nhân tới đây được xem là một cách “chống” nền tảng nhất về phía Nhà nước. Nhưng không ít người lo ngại, cái sự chống này sẽ đi về đâu khi chúng ta vẫn trong tình trạng đói nghèo.
Chúng ta hiện chủ yếu chi tiêu bằng tiền mặt. Được biết, ngành thuế đang phối hợp xây dựng một hệ thống thông tin không chỉ từ người nộp thuế mà với cả các tổ chức, cá nhân khác để giúp kiểm chứng được kê khai của cá nhân nộp thuế. Nghe chừng sự phối hợp này cũng khó khả thi nếu như không có một chế tài đủ mạnh, bởi “đối tác” có thể thoái thác khi họ “bận”(?!). Nhà nước chuẩn bị thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đây cũng là một bước tiến mới về chính sách trong quá trình hội nhập, mặc dù nó vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trả lương qua tài khoản cũng là một biện pháp “kiểm soát” thuế. Song, chúng ta vẫn thường nói với nhau “lương không đủ sống mà vẫn sống đàng hoàng”. Vậy kiểm soát có nổi không? Ngành thuế có đến “năm đầu sáu tay” cũng đành phải chào thua.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, cho hay, Chính phủ đang giao cho hệ thống ngân hàng xây dựng chế độ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Theo ông, chỉ khi nào chúng ta làm được việc này thì mới tạo được môi trường quản lý thuế thuận lợi.
Điều này xem ra có lý. Nhưng đợi đến khi đó thì chắc còn phải dài dài. Vì vậy, trong khi kiện toàn chính sách thì bản thân những người thực thi luật pháp cũng cần phải thực hiện luật triệt để và phải phòng ngừa “mầm mống gây tội ngay chính bản thân mình.
T.M.N