Làng nghề làm nón Mỹ Thuận (thôn Mỹ Thuận, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) tồn tại từ lâu, gắn liền với cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, nghề làm nón vất vả nhưng thu nhập lại thấp nên thời gian qua, nhiều người đã bỏ nghề. Để vực dậy làng nghề này cần có chính sách hỗ trợ, tìm một hướng đi mới phù hợp
Gắn bó với nghề
Theo UBND xã Hòa Đồng, nghề làm nón đã tồn tại từ hàng trăm năm nay, tập trung nhiều ở thôn Mỹ Thuận và một số hộ ở thôn Phú Mỹ. Hiện làng nghề làm nón Mỹ Thuận có hơn 70 hộ dân thường xuyên làm nghề, tạo việc làm cho hàng trăm người dân địa phương. Mặc dù công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng nhiều hộ dân vẫn gắn bó với nghề. Bà Nguyễn Thị Ngọc ở thôn Mỹ Thuận, xã Hòa Đồng, cho biết: Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm nón gần trăm năm nay, cứ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau; đến nay đã qua 4 đời. Công việc này tuy không nặng nhọc nhưng tốn nhiều thời gian, lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn mới làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Bình quân mỗi ngày, một người lành nghề cũng chỉ làm được 5-6 cái nón thường hoặc 3 cái nón loại dày. Hiện giá nón dao động từ 8.000-10.000 đồng/cái nón thường và 18.000 đồng/cái nón dày. Nếu trừ phí mua nguyên liệu thì mỗi chiếc nón cũng chẳng lời được bao nhiêu. Tuy nhiên, vì đã gắn bó với nghề làm nón từ lâu nên mặc dù đã gần 80 tuổi nhưng tôi vẫn gắn bó với nghề.
Bà Nguyễn Thị Đẩu, 69 tuổi, được xem là người làm nón đẹp và “có giá” nhất làng nghề làm nón Mỹ Thuận. Nếu nón thông thường chỉ bán được 8.000-10.000 đồng/cái thì nón của bà Đẩu luôn bán được 18.000 đồng/cái. Cá biệt có loại nón đặt dày, đẹp có giá đến 50.000 đồng/cái. Giải thích về sự chênh lệch này, bà Đẩu cho biết: Tôi gắn bó với nghề làm nón từ nhỏ nên luôn giữ nguyên tắc làm nón bền, đẹp. Nón của tôi làm luôn dày và chắc nên bán được giá cao hơn. Tuy nhiên, với các loại nón thường, mỗi người có thể làm 5-6 cái/ngày thì tôi chỉ làm được 3 cái/ngày. Nón của tôi dù cao giá nhưng làm ra cái nào là có người đến thu mua cái đấy. Nghề làm nón là nghề truyền thống nên các con, cháu tôi cũng làm nón. Cứ có thời gian là mọi người đều tập trung làm nón. Công việc này như một phần trong sinh hoạt của gia đình tôi.
Cần tìm hướng đi mới
Mặc dù rất tâm huyết, nhưng vì bỏ nhiều công sức, mà thu nhập thấp nên một số người đã bỏ nghề, đi làm công việc khác kiếm sống. Theo UBND xã Hòa Đồng, những năm trước, nghề làm nón còn thịnh thì ở xã này có gần 800 người dân làm nghề. Những lúc vào mùa, cả xóm rộn ràng người phơi, người ủi lá, người chẻ nùng, quấn tuyến… nhộn nhịp từ đầu trên, xóm dưới. Tuy nhiên, do thu nhập thấp nên nhiều người đã chuyển sang làm công việc khác. Hiện nay, những người còn gắn bó với nghề chủ yếu là người già, phụ nữ và những em nhỏ đi học làm thêm cùng gia đình trong lúc rảnh rỗi.
Theo chị Nguyễn Thị Nhị ở thôn Mỹ Thuận, có thời điểm nhà chị 3 người cùng làm nón, mỗi ngày cũng chỉ làm được hơn 10 cái nón, bán ra chưa được 100.000 đồng, chỉ đủ tiền mua thức ăn hàng ngày cho gia đình. Mặc dù thu nhập không nhiều nhưng nhờ nghề này mà chị có việc làm quanh năm nên gia đình vẫn gắn bó với nghề. “Tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân học nghề, đồng thời liên kết với các ngành du lịch, dịch vụ để định hướng người dân làng nghề làm ra những sản phẩm phục vụ du lịch, tạo điều kiện cho người dân làng nghề có thêm đầu ra và tăng thu nhập”, chị Nhị chia sẻ.
Ông Võ Bá Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: Làng nghề làm nón Mỹ Thuận đã tồn tại từ rất lâu đời, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập bình quân từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, sản phẩm của làng nghề gặp nhiều khó khăn do đầu ra không ổn định, giá thành sản phẩm giảm mạnh nên nhiều hộ dân đã bỏ nghề. Địa phương đang tạo mọi điều kiện cho người dân khôi phục sản xuất bằng cách quảng bá hình ảnh sản phẩm làng nghề tại các hội nghị, hội thảo phát triển du lịch của tỉnh. Mục tiêu của địa phương là tìm hướng phát triển làng nghề gắn với các sản phẩm du lịch, dịch vụ như các hình thức du lịch làng nghề, kết nối cung cấp sản phẩm cho các đại lý, cửa hàng lưu niệm, hàng đặc sản địa phương…
NAM KHÁNH