Thứ Hai, 18/11/2024 05:23 SA
Nỗ lực bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Thứ Tư, 05/10/2016 07:47 SA

Các học viên được chỉ cách dệt thổ cẩm tại lớp học - Ảnh: NGÔ XUÂN

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) vừa phối hợp UBND huyện Đồng Xuân triển khai đề án Bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh. Đề án này nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống; đồng thời hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu hàng lưu niệm phục vụ du lịch, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc Ba Na.

 

Quyết lưu giữ nghề truyền thống

 

Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu và là nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc Ba Na ở thôn Xí Thoại. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này đang dần bị mai một. Những nghệ nhân giỏi của làng nghề đều lớn tuổi nên việc truyền nghề gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số người trẻ lại không tâm huyết với nghề vì sản xuất không có đầu ra. Bà La O Thị Tơ - người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại, cho biết: Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu mặc thổ cẩm truyền thống, nên nghề này rất thịnh hành; nhà nào cũng có khung dệt. Thế nhưng, bây giờ các cháu nhỏ thích mặc trang phục hiện đại, nên đồ dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc chỉ được dùng vào các dịp lễ hội. Vì vậy, nghề đang dần mai một. Tôi rất yêu nghề, vẫn giữ thói quen dệt thổ cẩm để ai có nhu cầu mua thì bán, hoặc giữ cho con cháu dùng dần.

 

Còn bà La Lan Thị Kẽm, gắn bó lâu năm với nghề dệt thổ cẩm ở Xí Thoại, chia sẻ: Tôi làm quen với khung dệt từ hơn 30 năm nay. Mong muốn lớn nhất của tôi là được truyền nghề cho thế hệ trẻ để sau còn biết đến nghề truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, khi được mời tham gia dạy tại lớp đào tạo dệt thổ cẩm do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức, tôi cố gắng sắp xếp công việc nhà để có thời gian tham gia.

 

Hiện lớp đào tạo này thu hút 10 học viên, là con em của người dân trong thôn. Trong số đó, một số học viên đã biết về nghề dệt thổ cẩm. Em So Thị Chuyển tham gia lớp học này, chia sẻ: Mẹ em biết dệt thổ cẩm, nhưng lâu rồi không làm vì không mấy khi dùng đến trang phục truyền thống. Bản thân em cũng chỉ nhìn mẹ làm nên không thành thạo lắm. Tham gia lớp học này, em muốn học lành nghề, trước là để tự dệt đồ cho mình mặc trong những dịp lễ hội của làng, sau là để có thêm thu nhập.

 

Cố gắng tìm đầu ra

 

Ngay từ khi triển khai, đề án Bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở thôn Xí Thoại nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở Đồng Xuân. Tuy nhiên, hiện số nghệ nhân giỏi và tâm huyết với nghề rất ít, thậm chí có nguy cơ mai một. Gần đây, địa phương thúc đẩy hình thức du lịch văn hóa cộng đồng tại thôn Xí Thoại và được nhiều du khách hưởng ứng. Các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na được đánh giá có chất lượng, tinh xảo với nhiều hoa văn sống động. Do vậy, đề án này rất cần thiết. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho người dân học nghề, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch để tạo điều kiện cho bà con làng nghề có thể tiêu thụ sản phẩm.

 

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, khi triển khai đào tạo nghề dệt thổ cẩm, lo ngại lớn nhất là sản phẩm làm được không có đầu ra khiến các học viên bỏ nghề. Để giải quyết vấn đề này, đề án đưa ra giải pháp tạo ra nhiều sản phẩm mới phục vụ du lịch và tìm đầu ra ổn định cho người dân làng nghề. Ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chia sẻ: Đơn vị đã hỗ trợ trên 150 triệu đồng cho 10 học viên mua khung dệt, chỉ, nguyên phụ liệu để học nghề trực tiếp từ các nghệ nhân trong thôn. Đề án này có 5 hạng mục: đào tạo nghề; đầu tư trang thiết bị; học tập, tìm kiếm, du nhập nghề; thiết kế mẫu mã và cho các học viên sản xuất thử một số dòng sản phẩm mới. Mục tiêu của đề án không chỉ giúp người dân tộc Bana bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà còn tạo ra được các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch; đồng thời tìm kiếm được các kênh tiêu thụ, tạo điều kiện cho người dân có nguồn thu nhập từ sản phẩm làng nghề; từ đó giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek