Thứ Hai, 18/11/2024 06:52 SA
Khó duy trì hoạt động các công trình nước tập trung ở miền núi
Thứ Ba, 04/10/2016 08:02 SA

Các trạm cấp nước gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động - Ảnh: MINH DUYÊN

Được đầu tư kinh phí lớn, nhưng phí sử dụng thu về chỉ đủ chi cho công tác quản lý, vận hành; còn nâng cấp, thay mới trang thiết bị lại phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ của Nhà nước. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều công trình nước tập trung vùng dân tộc miền núi khó duy trì hoạt động.

 

Thu không đủ bù chi

 

Hiện 3 huyện miền núi có 22 công trình cấp nước tập trung hoạt động; trong đó, huyện Sơn Hòa 13 công trình, Sông Hinh 5 công trình và huyện Đồng Xuân 4 công trình. Quá trình quản lý, vận hành những công trình này đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

Cái khó đầu tiên là địa bàn rộng, dân cư thưa nên việc đi tới từng hộ thu tiền sử dụng nước không thuận lợi. Ông Lê Viết Tuyển, Tổ trưởng Trạm cấp nước xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Với công suất 500m3 nước/ngày đêm, trạm cấp nước xã Ea Ly cung cấp nước cho 1.000 hộ dân ở xã Ea Ly và thôn Tân An của xã Ea Bar. Địa bàn trải rộng, các hộ đồng bào phần lớn nằm xa trục đường chính lại sống cách xa nhau theo nhóm dân cư. Các hộ cũng làm rẫy sâu trong núi, sáng đi sớm tối về muộn. Người thu tiền phải đi xa, mà nhiều khi tới cũng không gặp hoặc có gặp, người dân cũng chưa có tiền ngay, nên phải đi nhiều lần… Hàng tháng, việc thu phí sử dụng của trạm chỉ đạt bình quân từ 70-75%. Ngoài ra, cũng do địa bàn rộng nên mạng lưới đường ống dẫn nước dài, dẫn đến thất thoát nước trong quá trình vận hành. Hàng tháng, tỉ lệ hao hụt nước của trạm từ 25-30%.

 

Các hộ sử dụng nước với khối lượng không lớn khiến doanh thu thấp nên việc chi trả lương công nhân cũng như bảo dưỡng những trục trặc kỹ thuật nhỏ cũng gặp khó. Theo ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), năm 2006-2007, xã được đầu tư 2 công trình cấp nước tập trung tại thôn Hòn Ông và buôn Ma Gú từ Chương trình 134 với số vốn gần 2,3 tỉ đồng. Từ 200 hộ sử dụng nước, đến nay chỉ còn 120 hộ với tổng thu từ 3-4 triệu đồng/tháng, trừ tiền điện và thất thoát nước chỉ còn lại 200.000 đồng trả lương cho 3 người làm nhiệm vụ bảo vệ và vận hành.

 

Được đầu tư từ nhiều năm trước, theo thời gian, trang thiết bị đã xuống cấp mà phí sử dụng nước thu không đủ chi cho nâng cấp, thay mới nên công trình nào còn “sống” là nhờ sự hỗ trợ hoàn toàn của ngân sách. Ông Lê Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), cho hay: Năm 2009, từ Chương trình 135, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung ở 3 thôn là Liên Sơn, Lương Sơn, Xuân Sơn được xây dựng. Các công trình nước này phục vụ nhu cầu của gần 500 hộ dân. Hơn 3 năm sau, cả hai công trình này đều xuống cấp, mà nguồn thu không đủ chi nên việc cung cấp nước cho người dân không được đảm bảo. Phải đến năm 2013, với tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các công trình nước này mới được nâng cấp và “sống” đến nay để cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong xã.

 

Nâng cao ý thức người dân

 

Cán bộ quản lý các công trình cấp nước đều khẳng định, chính ý thức người dân và trình độ quản lý quyết định tính hiệu quả của các công trình nước tập trung. Ông Phạm Văn Trung, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, nói: Địa phương có 4 công trình, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 470 hộ đồng bào. Trong đó, 2 công trình tại thôn Phú Lợi, Phú Giang của xã Phú Mỡ cho hiệu quả thấp hơn công trình tại thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1 và thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ. Nguyên nhân là do ý thức của người dân trong việc giữ gìn các thiết bị được cấp cho gia đình phục vụ việc sử dụng nước chưa cao. Tại các hộ thường xuyên xảy ra tình trạng đồng hồ đo nước bị mất, van, vòi, trụ thân bị hư hỏng… Còn công trình nước tại thôn Phú Đồng phát huy hiệu quả là bởi bà con làng Đồng bao nhiêu năm thiếu nước, họ hiểu giá trị của nước sạch, nên không chỉ có ý thức bảo vệ tài sản được giao, họ còn tình nguyện góp hàng chục triệu đồng xây tường rào bảo vệ công trình nước.

 

Mặc dù cũng gặp những khó khăn nêu trên nhưng các công trình nước ở huyện Sông Hinh vẫn đạt hiệu quả, cung cấp nước cho gần 4.000 hộ dân, với doanh thu từ phí sử dụng nước đạt 1,2 tỉ đồng/năm. Có được kết quả này là nhờ địa phương đã kịp thời thay đổi cách quản lý. Ông Lê Văn Tấn, Phó Phòng Dân tộc huyện, Đội trưởng Đội Quản lý các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Sông Hinh, chia sẻ: UBND huyện quyết định giao Phòng Dân tộc huyện quản lý các công trình nước sinh hoạt tập trung thay vì để cấp xã quản lý như trước đây, trên tinh thần đơn vị đầu tư đồng thời là đơn vị vận hành, bảo quản. Vì chỉ có chủ đầu tư mới nắm rõ được quy trình vận hành, thiết bị kỹ thuật của các công trình và dễ dàng khắc phục hư hỏng trong quá trình vận hành. Từ khi được giao quản lý, tôi thực hiện giảm chi phí nhân công bằng cách cơ động trong điều hành nhân viên. Tức là bất kỳ công trình nào gặp sự cố, ngoài 2 nhân viên kỹ thuật của phòng, tôi sẽ huy động thêm từ các công trình nước ở các xã gần đó tới hỗ trợ, nhằm hạn chế việc phải thuê lao động bên ngoài; sử dụng nguồn thu của các trạm để hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho anh em. Nhờ vậy, 3 năm nay, các công trình nước đều hoạt động tốt, không để xảy ra tình trạng mất nước nhiều ngày hay nước không đảm bảo vệ sinh. Số hộ sử dụng nước ngày càng tăng, cho doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động lâu dài cho các công trình này rất cần kinh phí đầu tư của Nhà nước để kịp thời khắc phục những hư hỏng lớn và thay mới thiết bị.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek