Khác với nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (HTX Hòa Định Tây) ngoài sản xuất lúa 2 vụ còn có thu nhập từ trồng rừng và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động lâm nghiệp. Từ đây, HTX giúp thành viên có thêm thu nhập, tạo doanh thu cao cho nhiều hộ có rừng.
Năm 2015, HTX Hòa Định Tây được sáp nhập từ 2 HTX là Hòa Định Tây 1 và Hòa Định Tây 2, nâng phạm vi hoạt động lên toàn xã. Ngày 30/9/2015, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Theo HTX Hòa Định Tây, đơn vị quản lý 1.106 thành viên ở 3 thôn là Cẩm Thạch, Phú Sen Đông và Phú Sen Tây. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, với diện tích lúa 2 vụ gần 497ha và 2.600ha đất lâm nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc HTX Hòa Định Tây, cho biết: Hiện hơn 2.500ha đất rừng đã được trồng keo lai và bạch đàn, trong đó cây keo lai hơn 800ha, bạch đàn 1.700ha. Hộ sở hữu diện tích trồng rừng ít nhất 1,5ha và nhiều nhất là 20ha. Riêng HTX sở hữu 7ha rừng do khai hoang từ những năm 1979. Trồng rừng cần thời gian (từ 3-6 năm) và tốn công đầu tư chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn gấp 10 lần trồng lúa.
Hiện HTX Hòa Định Tây cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động lâm nghiệp gồm ươm giống cây, khai thác và thu mua sản phẩm. Nhờ làm tốt các khâu này nên đơn vị đã thu hút được 531 thành viên có rừng ký hợp đồng bán và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Sương, Trưởng Ban Kiểm soát HTX, dịch vụ ươm cây giống bán cho bà con đã duy trì ở HTX được 5 năm nay. HTX có diện tích vườn ươm 1,5 sào; mỗi năm, xuất bán từ 500.000-700.000 cây giống các loại. Ngoài ra, HTX còn có đội khai thác rừng gồm 20 người làm nhiệm vụ hỗ trợ bà con cắt tỉa thưa, cưa gỗ đưa về nhà… Hàng năm, HTX khai thác trên diện tích rừng trồng 151ha. Đối với khâu tiêu thụ sản phẩm cho bà con, từ đầu năm 2016, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Á Châu (TX Sông Cầu) thu mua toàn bộ lượng gỗ của thành viên HTX với giá hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Lanh ở thôn Phú Sen Đông, cho hay: Gia đình tôi có 3ha rừng bạch đàn. Nhiều năm nay, tôi vẫn mua giống của HTX về trồng rừng. HTX ươm giống từ hạt nên khi cây lớn, gặp gió bão ít ngã đổ. Những năm trước, sau thu hoạch rừng, gia đình tôi phải tự liên hệ thương lái bán nên nhiều khi bị ép giá. Năm nay, HTX đã liên hệ được với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra nên tôi rất yên tâm.
Ngoài hộ bà Lanh, nhiều hộ thành viên HTX khác cũng có thu nhập cao từ hoạt động lâm nghiệp. Điển hình như hộ ông Mai Tố Hoài ở thôn Cẩm Thạch. Ông Hoài cho biết: Gia đình tôi có 1 sào vườn ươm, cùng 20ha rừng trồng. Hàng năm, gia đình tôi nhận làm dịch vụ ươm cây giống cho HTX để cung cấp cây giống cho bà con trong xã và mở rộng tiêu thụ ở các xã lân cận như Hòa Hội, Hòa Quang Nam… Cây rừng thì sau 5 năm thu hoạch 1 lần, nên trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ 300-500 triệu đồng.
Theo ông Phạm Trọng Yêm, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trồng rừng và làm các dịch vụ từ rừng đang mang lại thu nhập cao cho các hộ thành viên và HTX. HTX Hòa Định Tây là một trong 19 HTX lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có hoạt động dịch vụ lâm nghiệp hiệu quả. Mô hình ở HTX Hòa Định Tây cần nhân rộng ra các địa phương khác.
HẢI PHONG