Buôn Ken ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) có 99% người dân là đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Tới buôn Ken hôm nay, đường đã khang trang sạch đẹp, cùng với nhà văn hóa, công trình nước tập trung là những ngôi nhà mới ở khu định canh định cư xen ghép đang được dựng lên đông đúc. Đời sống của đồng bào nơi đây ngày càng ổn định và phát triển.
Theo ông Nay Y Rố, Phó Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, buôn Ken có đông đồng bào Ê Đê sinh sống, với số hộ nghèo tăng, cùng với sự phát sinh dân số khiến nhu cầu đất ở ngày càng cao. Giải quyết nhu cầu đất ở chính là cách để giữ vững an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết, là tiền đề đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nơi đây. Có như vậy, đồng bào mới ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp”. |
Mí Vân đang ngồi trên võng, mắt thư thái hướng về rẫy sắn xanh mướt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu, nói: “Trước đây, vợ chồng tôi sống cùng ba mẹ, sinh con rồi vẫn phải ở chung vì không có đất, không có tiền xây nhà. Diện tích nhà thì chỉ có vậy mà ngày càng nhiều thế hệ nối tiếp nhau nên không gian chật chội và sinh hoạt bất tiện. Vợ chồng tôi đã bàn nhau vô rẫy làm chòi sinh sống. Đầu năm 2016, gia đình tôi được tách hộ chuyển tới khu định canh định cư xen ghép buôn Ken, được cấp 400m2 đất, được hỗ trợ tiền xây nhà. Vợ chồng tôi đã dựng được nhà, đang chuẩn bị xới đất làm vườn tăng gia sản xuất. Cuộc sống bây giờ ổn định nhiều rồi, chỉ còn tập trung làm rẫy thoát nghèo”.
Bước vào nhà Mí Phan, ngôi nhà gỗ khang trang mới hoàn thành, hai con nhỏ của Mí đang xem ti vi, quạt điện chạy vù vù xua tan cái nắng nóng buổi trưa vùng cao. Theo Mí Phan, tuy gia đình mí mới ra ở khu định cư này được vài tháng nhưng mọi điều kiện sinh hoạt đã có đủ, có điện ổn định phục vụ sinh hoạt và giải trí, có đường đi lại không lo lầy lội vào mùa mưa… “Ở đây không còn thiếu gì nữa, chỉ còn nước sinh hoạt là nhà tôi đang chuẩn bị đấu nối từ công trình nước tập trung của xã Ea Bá về, tiền mua thiết bị đấu nối cũng được Nhà nước cấp. Gia đình tôi là hộ nghèo, nhiều năm liền không có đất ở. Giờ được ra ở đây thoáng mát, rộng rãi, đầy đủ hơn nhiều”, Mí Phan chia sẻ.
Ma Nhiên, Trưởng buôn Ken, cho biết: Tại buôn Ken, do phát sinh thêm số hộ mới tách khẩu ra riêng nên từ 160 hộ qua hơn 5 năm đã tăng lên 185 hộ, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất là 27, số hộ nghèo tăng từ 100 lên 105 hộ. Không gian sống không được đảm bảo nên đời sống của các hộ đồng bào cứ đói nghèo. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, khu tái định cư xen ghép buôn Ken được hoàn thành vào năm 2016. Khu tái định cư này giải quyết đất ở cho 22 hộ, chủ yếu là hộ mới lập gia đình riêng. Mỗi hộ được hỗ trợ 400m2 đất ở cùng 16 triệu đồng để làm nhà, ổn định sản xuất và đưa nước từ các công trình nước sinh hoạt về nhà. Cùng với việc ổn định nhà ở, hạ tầng cơ sở ở buôn Ken đã hoàn thiện với đường nông thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa… Hiện, các hộ đồng bào ở buôn Ken đã ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Cuộc sống ổn định, nhiều hộ ở buôn Ken đã vươn lên làm giàu với thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm đến cả tỉ đồng/năm. Theo Ma Yên, từ 6ha đất trồng sắn, mía, mỗi năm gia đình cũng có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Còn Mí Phương đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi vì biết vươn lên trở thành hộ khá giàu từ hộ nghèo, cho biết: Với diện tích hơn 20ha, tôi quy hoạch thành mô hình trang trại trồng cây lâu năm. Trong đó, tôi dành 11ha trồng keo, bạch đàn; 4ha trồng cà phê xen với cây cao su, 4ha trồng sắn; diện tích còn lại trồng lúa nước và hoa màu vừa cung cấp lương thực cho gia đình vừa tận dụng được phụ phẩm từ lúa, hoa màu cho chăn nuôi. Tôi cũng kết hợp nuôi hơn 20 con bò và mua máy cày, máy tuốt lúa làm dịch vụ. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
BẠCH VÂN