Hàng năm, vào mùa khô, nguồn nước ngầm ở TX Sông Cầu thường bị nhiễm mặn, phèn. Người dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước ngọt về dùng với giá cao.
MỖI THÁNG HƠN 1 TRIỆU ĐỒNG TIỀN NƯỚC
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở phường Xuân Đài, cho biết: “Ở đây gần biển nên vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn. Nước giếng bơm lên có màu vàng đục, mùi hôi rất khó chịu, gần như không thể sử dụng được. Gia đình tôi phải làm hệ thống lọc nước thông thường bằng than đá và sạn. Tuy nhiên, cách này chỉ giảm phèn chứ không thể loại bỏ độ mặn và mùi hôi. Vì thế, nước sau khi lọc chỉ dùng để vệ sinh hàng ngày chứ không thể dùng để ăn uống, tắm giặt”. Theo ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, đến nay, toàn phường đã có khoảng 70% giếng nước của người dân bị nhiễm mặn. Người có điều kiện thì chạy đường ống từ các giếng nước ngọt ở xã Xuân Thọ 1 về dùng, đa số còn lại phải mua nước với giá cao.
Không chỉ phường Xuân Đài mà nhiều xã, phường khác ở TX Sông Cầu cũng trong tình trạng tương tự. Bà Nguyễn Thị Lanh ở xã Xuân Lộc, nói: Những năm trước, nước giếng tuy có mặn nhưng mọi người vẫn có thể dùng để tắm rửa, sinh hoạt hàng ngày, còn nay nếu dùng nước này để tắm thì người bị nổi mẩn ngứa. Mấy tháng nay, nhà tôi phải mua nước ngọt về dùng. Nhà 4 người mà mỗi tháng mất cả triệu đồng tiền nước.
Mỗi ngày, trên các tuyến đường qua phường Xuân Đài, xã Xuân Phương, Xuân Hòa… có hàng chục xe bồn chở nước ngược xuôi bán nước ngọt cho người dân. Nguồn nước này đa số được các chủ xe bồn lấy từ các giếng nằm ở phía tây của quốc lộ 1, nơi nguồn nước không bị nhiễm mặn, về để bán cho người dân. Trung bình mỗi khối nước có giá từ 60.000-80.000 đồng tùy vào độ xa, gần của mỗi gia đình. Chị Trần Thị Hồng ở phường Xuân Đài, than thở: Nhà tôi có 6 người, cứ hai ngày gia đình tôi dùng 1m3 nước để nấu ăn, tắm giặt, còn nước uống thì mua nước bình. Tính ra mỗi tháng, gia đình tôi mất khoảng 1,3 triệu đồng tiền nước. Gia đình chủ yếu làm nghề chài lưới, thu nhập chả bao nhiêu; tiền ăn uống, học hành của mấy đứa nhỏ đã “nặng”, nay còn phải gồng mình trả tiền mua nước.
TÌM CÁCH KHẮC PHỤC
Theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, trong hai năm 2014, 2015, thị xã được UBND tỉnh phân bổ khoảng 3 tỉ đồng để phục vụ công tác chống hạn. Từ đó, thị xã đã đầu tư xây dựng 72 giếng nước, 8 bể chứa và 3 công trình nước, góp phần đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các nơi có nguồn nước bị nhiễm mặn. Trung bình mỗi giếng cung cấp nước cho 20-30 hộ dân. Riêng hệ thống dẫn nước thôn Chánh Nam, xã Xuân Thọ 1, cung cấp nước cho 50 hộ; công trình nước tại thôn Phương Lưu, xã Xuân Thọ 1 cung cấp nước cho 30 hộ. Tuy nhiên, năm nay, một số giếng này không có nước; 12 giếng nước ở các xã, Xuân Thọ 1, Xuân Bình, Xuân Lâm, phường Xuân Đài... bị khô cạn. Không chỉ vậy, 5 giếng được Nhà nước đầu tư cũng đã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Tính đến nay, hầu như các xã, phường ở phía đông của quốc lộ 1, dọc bờ biển, nguồn nước ngầm đã bị nhiễm mặn. Trong đó, các khu vực bị nhiễm mặn nghiêm trọng là phường Xuân Đài, các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Lộc, Xuân Hải...
Ông Lương Công Tuấn cho biết: Vừa qua, TX Sông Cầu đã xây dựng giếng và bể chứa nước cùng hệ thống ống dẫn nước đến các hộ dân theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm với kinh phí khoảng 300 triệu đồng tại xã Xuân Hòa. Công trình này bước đầu mang lại hiệu quả, giúp giải quyết nguồn nước sạch cho 200 hộ dân trong vùng. TX Sông Cầu đã kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ xây thêm hồ chứa nước thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa, dung tích 20m3 và đường ống dẫn nước để tăng năng lực cung cấp nước cho người dân. Đồng thời, thị xã cũng cần xây dựng hai bể chứa nước và hệ thống bơm tăng áp tại xã Xuân Thọ 1 với kinh phí gần 1 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, UBND thị xã sẽ đầu tư hệ thống ống dẫn nước cho 500 hộ dân thôn Phương Lưu (xã Xuân Thọ 1), thôn Triều Sơn (xã Xuân Thọ 2) và phường Xuân Đài, một trong những nơi có nguồn nước bị xâm nhập mặn nặng nhất.
NHƯ THANH