Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, nhiều hội viên, nông dân ở huyện Phú Hòa đến nay không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp.
TẠO “ĐÒN BẨY”
Từ phong trào nông dân thi đua SXKDG giai đoạn 2014-2016, đến nay, toàn huyện có 10.545 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, tăng 121% so với giai đoạn 2012-2014. Trong đó, cấp Trung ương có 15 hộ, cấp tỉnh 284 hộ, cấp huyện 1.075 hộ. |
Phú Hòa là một huyện thuần nông, có diện tích đất gieo trồng hàng năm gần 14.500ha, trong đó có 23.919 hộ làm nông nghiệp. Phát huy thế mạnh này, trong 2 năm qua, Hội Nông dân huyện luôn tạo điều kiện để hội viên, nông dân làm ăn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Để giúp bà con tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Phòng NN-PTNT huyện và các hợp tác xã mở 164 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho 15.857 lượt người tham gia; đồng thời hướng dẫn cho người dân cách làm ăn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, ai giỏi nghề gì làm nghề đó. Bên cạnh đó, Hội Nông dân còn phối hợp với một số ngành chức năng xây dựng mô hình trình diễn và hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Đơn cử, Hội đã vận động nông dân dồn điền đổi thửa đối với một số diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng bắp lai, trồng sen ở xã Hòa Quang Nam. Một số diện tích đất ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc thì chuyển sang trồng hoa màu và hoa lay ơn… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 3 năm trước, xã Hòa Quang Nam có 2,9ha đất 5% ở vùng trũng thấp thường hay ngập nước tại bầu Hội Khách, thôn Mậu Lâm Nam nên trồng lúa đạt hiệu quả thấp. Thậm chí nhiều người chuyển sang trồng rau muống nhưng thu nhập cũng rất thấp. Năm 2013, ông Hồ Xuân Nam ở xã đã mạnh dạn thuê hết diện tích đất trên với giá mỗi năm 30 triệu đồng để đầu tư trồng sen. Ông Nam cho biết: “Từ khi trồng sen đến nay, mỗi năm tôi thu nhập thấp nhất 120 triệu đồng mà không phải mất nhiều thời gian để chăm sóc như cây lúa”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa Hồ Văn Sý nói: “Đối với người dân, việc hướng dẫn cho họ cách làm ăn là chưa đủ. Nhiều hộ có kiến thức sản xuất nhưng lại thiếu tiền để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiểu được nhu cầu của người dân, hàng năm, Hội Nông dân huyện ký kết kế hoạch liên tịch với Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; đồng thời chỉ đạo các cơ sở Hội hướng dẫn người dân thành lập các tổ vay vốn, thủ tục làm hồ sơ để họ tiếp cận các nguồn vốn vay. Khi người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay, các cơ sở Hội phải giám sát các thành viên trong tổ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc họ có trách nhiệm trả nợ gốc, lãi đúng thời hạn. Nhờ đó, khi Hội Nông dân phát động phong trào nông dân thi đua SXKDG, nhiều hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực. Từ phong trào này, ngày càng xuất hiện nhiều nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”.
HIỆU QUẢ THIẾT THỰC
Chính nhờ tạo “đòn bẩy” thiết thực như vậy mà đến nay ở huyện Phú Hòa đã xuất hiện nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, các giống cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó từng bước chuyển nhận thức của nông dân từ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống sang đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Hộ ông Nguyễn Hữu Thoại ở xã Hòa Hội là một điển hình. Hơn 10 năm trước, gia đình ông thuộc diện khó khăn của địa phương. Với sự nỗ lực lao động, vợ chồng khai hoang được 5ha đất. Để có tiền đầu tư trồng mía, sắn, ông Thoại thông qua Hội Nông dân xã làm đơn xin vay được 30 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT. Từ đó, ông có điều kiện làm ăn. Đến nay, ông Thoại sở hữu 56ha đất trồng mía. Ông Thoại cho biết: “Để chủ động trong việc trồng mía cũng như chở mía về nhà máy, tôi đầu tư mua 4 máy cày đại, một máy nâng mía và một xe tải để vận chuyển mía về nhà máy tiêu thụ. Nhờ đó mà diện tích mía không phải trễ vụ, ảnh hưởng đến năng suất nên mỗi năm tôi lãi ròng 1 tỉ đồng từ bán mía”.
Cũng giống như hoàn cảnh ông Thoại, gia đình ông Huỳnh Văn Hương ở thị trấn Phú Hòa từng là một hộ nghèo. Nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và tiếp cận được nguồn vốn vay mà đến nay ông đã sở hữu 4ha khóm trồng ở Đồng Din, mỗi năm thu lãi ròng gần 200 triệu đồng. Ông Hương nói: “Sống trong cái nghèo nên tôi thấu hiểu được những người nghèo khó. Vì thế, mấy năm qua tôi đã chia sẻ, hướng dẫn cho 16 hộ nghèo khác cách trồng, chăm sóc cây khóm. Đến nay, các hộ này đã có thu nhập cao, thoát nghèo ổn định”.
Nhờ tạo điều kiện cho người dân làm ăn nên hiện nay ở huyện Phú Hòa có cả trăm hộ vươn lên làm giàu chính đáng. Khi Hội Nông dân phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, hàng ngàn hộ dân hưởng ứng tích cực. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa Hồ Văn Sý cho biết: “Qua phát động, đến nay hội viên, nông dân đã đóng góp gần 21,9 tỉ đồng với trên 454 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện hiến hơn 32.000m2 đất để làm đường bê tông nông thôn và vận động nông dân tự nguyện kéo điện thắp sáng được 67km đường làng, góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
HIẾU TRUNG