Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày có khoảng 495 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc tổ chức thu gom rác thải ở các huyện, thị xã, thành phố chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu của người dân. Để cải thiện được vệ sinh môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn, thời gian tới, các địa phương cần có nhiều mô hình quản lý dựa vào cộng đồng dân cư.
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Đào An Xuân, sắp đến, sở tiếp tục triển khai mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn tại huyện Đông Hòa và nhân rộng ở các địa phương khác. Nhân Tháng Hành động vì môi trường, mọi người hãy cùng chung tay cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. |
XÃ HỘI HÓA QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG
Theo Sở TN-MT, hiện tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh là rất lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 495 tấn; trong đó TP Tuy Hòa khoảng 129 tấn, TX Sông Cầu khoảng 83 tấn, các huyện còn lại khoảng 283 tấn. Tuy nhiên, việc thu gom rác thải hiện nay ở các địa phương còn thấp so với nhu cầu của người dân. Hiện toàn tỉnh thu gom khoảng 270 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 55% nhu cầu. Tại TP Tuy Hòa, Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên tổ chức thu gom, còn ở các huyện, thị xã do Phòng Quản lý đô thị hoặc Kinh tế hạ tầng đảm nhiệm. Riêng tại một số xã, thị trấn, việc thu gom rác thải sinh hoạt do các HTX nông nghiệp thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả như các xã Hòa Trị, Hòa An (huyện Phú Hòa), Hòa Phong (huyện Tây Hòa), An Ninh Tây (huyện Tuy An)… Nhờ được xã hội hóa nên công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thời gian qua từng bước được cải thiện, ban đầu chỉ thu gom tại các vùng dân cư tập trung, sau mở rộng dần sang khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Tiếp nối thành công của các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý môi trường nói trên, năm 2016, Sở TN-MT chọn xã An Mỹ (huyện Tuy An) để xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn. Bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Mô hình này được triển khai với sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Trong đó, cộng đồng dân cư sẽ giám sát việc thực hiện thu gom rác cũng như sự tuân thủ của người dân trong bảo vệ môi trường. Còn chính quyền sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc phân loại rác thải, bỏ rác thải đúng quy định… Mô hình hướng đến mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý môi trường, hình thành các mô hình quản lý rác thải nông thôn theo phương thức tự quản của cộng đồng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
MÔ HÌNH CẦN NHÂN RỘNG
Theo UBND xã An Mỹ, hiện mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn xã khoảng 15-20 tấn. Thời gian qua, xã đã tích cực thu gom, nhưng phạm vi thu gom chỉ tập trung ở các đường lớn, đường liên thôn, liên xã mà xe gom rác có thể vào được; còn các đường hẻm, khu dân cư thưa người thì người dân tự xử lý rác bằng cách chôn lấp hoặc đốt nên hiệu quả không cao. Được Sở TN-MT hỗ trợ cùng với những nỗ lực của xã, UBND xã An Mỹ đã xây dựng mô hình Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2016-2020. Theo mô hình này, trước mắt, xã bố trí nhân công, xe thu gom tổ chức thu gom rác tại 3/5 thôn của xã gồm Hòa Đa, Phú Long, Giai Sơn với khoảng 1.600 hộ dân. Mục tiêu trong năm 2016 là lượng rác thải sinh hoạt ở 3 thôn nói trên sẽ được thu gom khoảng 65%, từ năm 2017-2020 đạt 100%.
Ông Nguyễn Tấn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, cho biết: Theo mô hình đã được duyệt, mức thu phí vệ sinh môi trường mỗi hộ là 8.000 đồng/tháng. Trừ các khoản chi phí như trả lương công nhân, hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý rác,… xã dự kiến còn lãi mỗi năm khoảng 28,6 triệu đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng cho việc duy tu, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác của xã.
Theo ông Trần Văn Cường, Trưởng Ban Nhân dân thôn Phú Long, người dân địa phương rất ủng hộ mô hình Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt mà UBND xã đã xây dựng và đang triển khai. Nếu mô hình này hoạt động hiệu quả, địa phương sẽ khắc phục được tình trạng người dân đổ rác bừa bãi; nhờ vậy, thôn, xóm được sạch đẹp hơn.
ANH NGỌC