Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm trang trí làm từ phế liệu như chai nhựa, thủy tinh, thùng giấy… được nhiều người lựa chọn. Cách làm này cũng giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập.
BIẾN PHẾ LIỆU THÀNH ĐỒ TRANG TRÍ
Trước đây, những chai thủy tinh, nhựa, hay giấy vụn, thùng carton… là phế liệu nhưng hiện nay, nhiều người đã sử dụng chúng để làm ra các vật dụng trang trí. Chị Hồ Thị Thủy ở phường 5, TP Tuy Hòa, cho biết: Khi vào TP Hồ Chí Minh du lịch, gia đình tôi có đến tham quan một trung tâm mua sắm. Trung tâm này trưng bày nhiều vật trang trí rất dễ thương được làm từ phế liệu. Tôi đã bắt chước cách làm này, lấy những chai, lọ đã qua sử dụng rồi mua thêm một ít phụ kiện để tạo thành vật trang trí trong nhà. Còn với bạn Đinh Thị Mỹ Trân, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, những vật dụng làm từ phế liệu không chỉ dùng để trang trí mà còn có thể làm quà tặng bạn bè, người thân.
Hiện không ít gia đình, cửa hàng, quán cà phê… ở Tuy Hòa chọn cách trang trí độc đáo này, vì các sản phẩm tái chế vừa ít tốn kém vừa tạo được sự mới lạ cho không gian sống. Bà Lê Thị Thắm, giáo viên một trường trung học ở TP Tuy Hòa, bày tỏ: Tận dụng rác thải để làm đồ trang trí thì chỉ tốn công chứ ít tốn tiền. Để tạo ra sản phẩm phong phú và phù hợp cho từng không gian, người thực hiện cần có sự đam mê, sáng tạo trong cách làm.
Theo một số người dân, để làm một bình hoa nghệ thuật từ đồ bỏ đi, đầu tiên, người làm phải chọn mẫu chai, làm sạch; sau đó, dùng sơn phun màu phủ bên ngoài. Nếu thích đơn giản, người làm có thể phun một loại màu cố định, hoặc phối trộn nhiều màu, vẽ thêm hoa văn, họa tiết trên mỗi chiếc bình nếu muốn tạo sự sinh động cho bình hoa. Ngoài ra, người làm sẽ viết chữ, dùng dây đăng ten, ruy băng hoặc nút gỗ, nhựa để gắn bên ngoài, giúp bình hoa bắt mắt hơn. Nếu không làm bình hoa, các bạn trẻ cũng có thể dùng những mẫu ve chai để làm chụp đèn, cốc nước… Những dạng bình này có thể trưng bày trên bàn, kệ sách hoặc gắn, treo trên tường nhà đều được.
Nhằm phục vụ những khách hàng thích thú với cách chế tác từ phế phẩm, hiện trên thị trường có bán các phụ kiện trang trí để người làm thiết kế nhiều sản phẩm hữu dụng. Trong đó có một số loại màu chuyên dùng cho kính, thủy tinh; nơ ruy băng, dây thừng, đăng ten, keo dán, bột màu, đá cảnh… Giá cả của những phụ kiện này cũng không quá đắt, dao động từ 1.000-6.000 đồng/sản phẩm.
THÊM THU NHẬP CHO BẠN TRẺ
Qua nhiều công đoạn chế tác, những vật dụng hữu ích tạo ra từ phế phẩm được trang trí, trưng bày trong những không gian sống khác nhau theo nhiều phong cách, phù hợp với nội thất của từng gia đình, nhà hàng. Đây là cách làm không chỉ giúp các gia đình giải quyết được phế phẩm hàng ngày mà còn tạo thêm thu nhập cho nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Ông Nguyễn Quốc Hưng ở phường 4, TP Tuy Hòa, cho biết: Tôi mới mở một quán cà phê tại nhà và dùng nhiều đồ trang trí làm từ phế liệu. Những sản phẩm này chưa bán phổ biến ở Tuy Hòa mà phần lớn do cá nhân tự làm. Mới đây, tôi mua được một số vật dụng dạng này của một nhóm sinh viên ở trọ gần nhà. Mỗi sản phẩm từ 10.000-50.000 đồng.
Bạn Trần Trúc Phương, sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho biết: Hàng ngày, ngoài giờ học, em và các bạn cùng phòng đi tìm những mảnh gỗ vụn, vỏ chai thủy tinh và mua thêm ít phụ kiện để làm vật dụng. Lúc đầu, sản phẩm làm ra chỉ để trang trí phòng trọ hoặc mang về nhà trưng bày. Nhưng gần đây, thấy nhiều người thích các loại sản phẩm này nên cả nhóm cố gắng làm nhiều hơn để bán. Trung bình mỗi tháng, chúng em kiếm được cả triệu đồng. Theo bạn Lê Trang Đài, sinh viên cùng trường với Phương, ngoài việc làm vật dụng để bán, nếu khách hàng có nhu cầu thiết kế, trang trí không gian bằng những sản phẩm loại này, các bạn sẽ đến tận nơi để thực hiện; giá sản phẩm, công làm cũng sẽ thấp hơn so với khi khách mua sản phẩm bán trên thị trường. “Kiếm được tiền trang trải chi tiêu, tụi em rất mừng nhưng vui hơn là được làm ra những vật dụng mình thích. Em mong ngày càng có nhiều người đặt hàng để chúng em có cơ hội sáng tạo”, Trúc Phương nói.
KHANG ANH