Thứ Tư, 23/10/2024 03:33 SA
An toàn vệ sinh thực phẩm nông, thủy sản:
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Thứ Ba, 15/03/2016 07:00 SA

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở chế biến thủy sản ở huyện Tây Hòa - Ảnh: A.NGỌC

Sau hơn 4 tháng triển khai đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu đã ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến mạnh như mong đợi của nhân dân.

 

THỰC PHẨM BẨN VẪN CÒN PHỔ BIẾN

 

Chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông, thủy sản nói riêng không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hiệu quả lao động mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của giống nòi. Những vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã và đang diễn ra hàng ngày khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Theo Bộ NN-PTNT, từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 2/2016, cả nước đã phát hiện 326 mẫu rau củ, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 106 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật; 397 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm…

 

Tại Phú Yên, thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả… cũng khá phổ biến. Theo Sở Công thương, năm 2015 đã phát hiện và xử lý gần 2.000 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 8,8 tỉ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã phát hiện khoảng 360 hành vi vi phạm, thu nộp ngân sách gần 1,4 tỉ đồng. Theo Sở NN-PTNT, từ năm 2015 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã thực hiện lấy mẫu đưa đi kiểm tra tồn dư các chất cấm Salbultamol, Clenbuterol trên thịt heo và lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu chất kháng sinh Tetracyline, Oxytetracyline, Chltetracyline trên thịt gà nhưng kết quả không phát hiện tồn dư các chất này.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, có khoảng 75 đoàn kiểm tra VSATTP đã phát hiện gần 200 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền gần 40 cơ sở với số tiền hơn 40 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy một số cơ sở chưa đạt về VSATTP như thiết bị dụng cụ, khu vực chế biến chưa đạt theo quy định, chưa thực hiện tốt công tác lưu mẫu thực phẩm. Một số cơ sở chưa khám sức khỏe định kỳ cho người sản xuất, có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP nhưng đã hết hạn. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh có trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến qua thời gian sử dụng đã cũ, cơ sở vật chất có nơi cũng đã xuống cấp là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở. Tất cả cơ sở trên đều được nhắc nhở, hướng dẫn, cho thời hạn khắc phục và giao các địa phương giám sát.

 

SỚM NGĂN CHẶN CÓ HIỆU QUẢ

 

Bộ NN-PTNT đang khuyến khích các địa phương triển khai các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Đến nay, cả nước có 35 tỉnh, thành phố báo cáo đã hỗ trợ xây dựng được 280 chuỗi cung ứng nông thủy sản an toàn bày bán tại 329 cơ sở phân phối thực phẩm, trong đó có 65 cơ sở được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt heo an toàn được xác nhận và công khai tại nơi bán. Ông Đặng Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: “Phú Yên hiện đang triển khai xây dựng 3 chuỗi cung ứng sản phẩm nông thủy sản an toàn. Các chuỗi này gồm chuỗi cá ngừ đại dương (sản phẩm mắt, mép, thăng, lòng, lườn) của Công ty TNHH Bình Minh (huyện Tuy An); chuỗi giò heo xông khói của Công ty TNHH thương mại Vi Long (TP Tuy Hòa) và chuỗi rau an toàn của Công ty TNHH An Việt Nông (TP Tuy Hòa). Hiện chi cục đang hướng dẫn các doanh nghiệp này hoàn thiện các thủ tục xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn với người tiêu dùng”.

 

Kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề không thể một sớm một chiều có thể kiểm soát được ngay bởi các cơ quan Nhà nước không thể kiểm tra, kiểm soát được các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Quan trọng nhất là có sự giám sát của xã hội, người chăn nuôi chân chính và người tiêu dùng cùng vào cuộc tố giác những người chăn nuôi gian dối, tố giác những đơn vị kinh doanh sản phẩm có chứa chất cấm.

 

Tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm hành động Năm Vệ sinh an toàn thực phẩm đầu tháng 3/2016, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Tăng cường đảm bảo VSATTP được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Nông nghiệp, là một lĩnh vực quan trọng của chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, các ngành, các cấp và địa phương cần xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, từ đó, tiến tới xử lý dứt điểm các vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi. Cùng với việc xử lý chất cấm trong chăn nuôi, các ngành liên quan cần triển khai quyết liệt hơn nữa vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, cũng như giảm mạnh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả. Bên cạnh đó, bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó chú trọng mở những cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất để ngăn chặn, xử lý vi phạm, qua đó giúp người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng các sản phẩm an toàn.

 

ANH NGỌC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cá ngon ở sông Kỳ Lộ
Thứ Bảy, 12/03/2016 17:39 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek