Chủ Nhật, 27/10/2024 22:29 CH
Phát triển bền vững tại Phú Yên:
Hiệu quả bước đầu
Thứ Sáu, 25/12/2015 13:00 CH

Chế biến sắn tại Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Đồng Xuân - Ảnh: L.HẢO

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững (PTBV) tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về PTBV, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

 

ĐỀ XUẤT NHIỀU MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

Vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, UBND các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, TX Sông Cầu và một số doanh nghiệp ở những địa phương này về việc triển khai Chương trình hành động 04 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 ở Phú Yên và Kế hoạch 06 của Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh năm 2015. Qua làm việc, Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh nhận thấy các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã có những nỗ lực nhất định trong việc triển khai Chương trình hành động 04 và Kế hoạch 06.

 

Cụ thể, các huyện, thị xã đều đã lồng ghép các chỉ tiêu PTBV vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2016. Đồng thời, các địa phương cũng đề xuất nhiều mô hình PTBV giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn. Trong đó, TX Sông Cầu dự kiến thực hiện các mô hình đầu tư nâng cấp và hoàn thiện mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi heo bằng chế phẩm sinh học BALASA - N01 tại 2 thôn Thạch Khê và Mỹ Phụng (xã Xuân Lộc); trồng rau an toàn xã Xuân Lộc, Xuân Thọ 2, Xuân Lâm và Xuân Hải; xây dựng làng sinh thái. Huyện Sơn Hòa đề xuất 3 mô hình PTBV là mô hình làng sinh thái gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại xã Sơn Long và Sơn Định; mô hình trạm bơm điện Suối Trai và mô hình thắp sáng đường quê xã Suối Trai bằng năng lượng mặt trời. Huyện Đồng Xuân thì đề xuất mô hình xây dựng cánh đồng lớn sản xuất cây sắn theo hướng thâm canh bền vững; trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh làm cơ sở phát triển gỗ nguyên liệu đồ mộc bằng một số giống keo lai (BV33, BV75, TB1, TB11); và mô hình làng sinh thái, văn hóa, du lịch tại thôn 1, xã Đa Lộc.

 

Tại huyện Sông Hinh, ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện này, cho biết: Mặc dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Sông Hinh cũng đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình PTBV cộng đồng như mô hình xanh - sạch - đẹp tại thôn Chư Sai, xã EaTrol; mô hình phát triển kinh tế tại thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh; giảm nghèo bền vững tại thôn Đức Hiệp, xã Đức Bình Đông; bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Hà Giang, xã Sơn Giang; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại buôn Học, xã Ea Lâm... Thông qua việc thực hiện các mô hình này, người dân đã nâng cao ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nếp sống văn minh; chăm lo phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; giữ gìn bản sắn văn hóa truyền thống của dân tộc…

 

CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM

 

Theo ông Trần Thiện Kim, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh, mặc dù đạt được những kết quả bước đầu nhưng để triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh nhận thấy các sở, ban, ngành, địa phương còn một số lúng túng nhất định. Cụ thể, các đơn vị gặp khó khăn trong lồng ghép các nội dung của đề án, chương trình hành động của UBND tỉnh trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh. Các sở, ban ngành, địa phương cũng gặp khó trong việc thực hiện Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các đề án, chương trình hành động của UBND tỉnh triển khai chiến lược này. Ngoài ra, các đơn vị còn gặp khó trong việc giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu PTBV, cũng như xây dựng và triển khai các mô hình PTBV trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Kim cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Văn phòng PTBV Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể hoặc tập huấn cho tỉnh một số nội dung cần thiết để triển khai có hiệu quả Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 như: hướng dẫn thành lập Quỹ Hỗ trợ PTBV, hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép các quan điểm, nguyên tắc PTBV trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển, đưa nội dung giáo dục về PTBV vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo; chương trình giám sát và đánh giá các hoạt động PTBV doanh nghiệp... Các bộ, ngành Trung ương cũng cần hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng và thực hiện các mô hình PTBV cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về PTBV.

 

Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh còn kiến nghị UBND tỉnh bổ sung vào ban chỉ đạo các thành viên là chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, để những thành viên này có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động PTBV ở cấp huyện. Tỉnh cũng cần cho phép triển khai thí điểm xây dựng các mô hình PTBV trên địa bàn các huyện, thị xã với sự tham gia tài trợ chính của các doanh nghiệp đã có cam kết trong buổi làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh, UBND các địa phương và doanh nghiệp. Sau khi các huyện, thị xã, Ban Quản lý Khu kinh tế có đề xuất cụ thể (tên dự án, địa điểm, quy mô đầu tư, nguồn vốn, chủ đề án...), tỉnh giao Sở KH-ĐT (thường trực Ban Chỉ đạo PTBV tỉnh) xem xét trình UBND tỉnh quyết định để làm cơ sở thực hiện.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek