Ngay khi đưa vào hoạt động, lò mổ gia súc ở TP Tuy Hoà đã bộc lộ nhiều bất cập. Mặc dù một số hạng mục chưa hợp lý đã được sửa chữa để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho người giết mổ gia súc song hiện vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.
Khu vực dành cho giết mổ trâu bò chật hẹp – Ảnh: N.TRƯỜNG
Các phường nội thành trong TP Tuy Hòa (trừ phường Phú Lâm và phường 9), hiện có 28 hộ kinh doanh giết mổ gia súc. Tuy nhiên, khi lò mổ gia súc tập trung của TP Tuy Hoà đặt tại phường 8 đưa vào hoạt động (tháng 2/2007) chỉ có 20- 22 hộ thường xuyên đưa gia súc giết mổ tại đây. Trong khi đó, số lượng gia súc giết mổ tại lò mổ hàng ngày đang có xu hướng giảm dần. Nếu tháng 3/2007, bình quân mỗi ngày giết mổ 60 con heo và 25 con bò thì trong tháng 6 vừa qua, lượng gia súc đưa vào giết mổ chỉ còn 36 con heo và 23 con bò mỗi ngày. Nguyên nhân giảm sút là do các hộ giết mổ gia súc còn lén lút giết mổ tại nhà và có thể nhu cầu thị trường giảm; mặt khác, lò mổ tập trung này vẫn còn những bất cập.
Công trình chính ở đây là nhà giết mổ có diện tích 1.062 m2, trong đó 1/3 diện tích dành cho làm chuồng nhốt gia súc. Khu vực giết mổ gia súc lại phân bổ không tương xứng, dành cho giết mổ bò chỉ chiếm 1/5 diện tích. Do đó, Ban quản lý lò mổ đưa bò ra nhốt tạm bên ngoài để lấy mặt bằng làm nơi giết bò song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của hộ giết mổ gia súc vì quá chật hẹp. Thường ngày có 9 hộ đưa bò vào giết mổ với số lượng gần 25 con/ngày, song nơi đây cùng lúc chỉ giết mổ được 4 con. Trong khi đó, thời gian giết mổ chỉ diễn ra từ 1 đến 6 giờ sáng nên luôn trong tình trạng “quá tải”. Ông Nguyễn Thường ở phường 1, một trong những hộ kinh doanh giết mổ gia súc tại đây, than phiền: “Khi ra thịt, người mua sỉ, lẻ càng đông hơn, họ chen chân nhau chật đến nỗi không còn chỗ xoay trở được”. Bà Nguyễn Thị Mùi, Phó Phòng Kinh tế TP Tuy Hoà thừa nhận tồn tại này và giải thích: Khi lập dự án do điều tra không sát, cho rằng chỉ có 3-4 hộ kinh doanh giết mổ bò nên thiết kế lò mổ dành cho bò chưa phù hợp.
Điều đáng quan tâm nữa là lò mổ chưa có khu vực làm lòng, ruột nên phải làm công việc này bên ngoài sân không có mái che, sẽ gây trở ngại, phiền toái khi gặp trời mưa. Hệ thống cấp nước trong lò mổ cũng chưa phù hợp nên sử dụng nước còn lãng phí…
Trong khi đó, vì khu vực thiết kế dành nhốt trâu bò được dùng để mở rộng lò mổ nên bò chờ giết mổ phải đưa ra nhốt bên ngoài, trên nền đất cát cạnh tường rào lại nảy sinh bất cập trong việc dọn vệ sinh chuồng trại. Lượng phân thải ra nhiều song chưa được tận dụng chế biến phân bón hữu cơ hoặc làm hầm khí bioga cung cấp khí đốt cho lò mổ.
Ông Trần Công Quang, Phó ban quản lý lò mổ cho biết: Đến thời điểm này dự án lò mổ TP Tuy Hòa vẫn chưa được bàn giao vì hệ thống thiết bị chữa cháy chưa được nhà thầu lắp đặt. Do vậy những tồn tại trên chúng tôi chưa thể sửa chữa được. Ông Quang cũng cho biết thêm, thời gian qua hoạt động của lò mổ thu chưa bù được chi. Chỉ trong 4 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5) đã lỗ 24 triệu đồng, bình quân 6 triệu đồng/tháng. Trong đó, có những khoản chi quá lớn như vận chuyển chất thải: 6 triệu đồng/ tháng, nước: 3 triệu đồng/ tháng. Còn người lao động ở đây chưa hưởng chế độ đôïc hại hoặc làm ngoài giờ.
Để lò mổ hoạt động có hiệu quả, trước mắt TP Tuy Hòa cần sớm có giải pháp khắc phục những tồn tại nêu trên; đồng thời có quy chế hoạt động của lò mổ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức tiết kiệm của các hộ tham gia giết mổ gia súc. Mặt khác, TP Tuy Hoà cần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động giết mổ gia súc, tạo điều kiện cho tất cả hộ kinh doanh giết mổ gia súc đưa gia súc vào giết mổ tại đây tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các hộ hành nghề giết mổ gia súc. Qua đó vừa kiểm soát được vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường vừa tăng nguồn thu nhằm hạn chế bù lỗ.
NGUYÊN TRƯỜNG - LY KHA