Để tăng thu nhập cho gia đình, hiện nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã kinh doanh thêm dịch vụ, không còn sản xuất nông nghiệp thuần túy như trước đây, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất.
ĐẠT HIỆU QUẢ KINH TẾ
Cách đây 5 năm, tại các vùng miền núi trong tỉnh, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập từ 40 triệu đồng đến 70 triệu đồng/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì hiện nay số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên chiếm hơn 20% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập của những hộ này chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp với mô hình trồng mía, nuôi bò, làm trang trại và trồng rừng.
Ông Nay Y BLung, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Gắn với phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, toàn huyện có 271 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận sản xuất giỏi các cấp, chiếm hơn 11% trong tổng số hộ được công nhận sản xuất giỏi trên toàn huyện và chiếm hơn 1,3% tổng số hộ đồng bào đang sinh sống trên địa bàn huyện. Những hộ này đạt mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng/năm, trong đó khoảng 11 hộ có thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng đến trên 8 triệu đồng/khẩu/tháng, điển hình như hộ KPă Núi ở xã Suối Trai; hộ Ma Báu, Ma Vừa ở xã Cà Lúi; hộ Ma Giảng ở xã Sơn Phước; hộ Y Đắt ở xã Suối Bạc, hộ Ma Tim ở xã Ea Chà Rang…
Ông Phạm Văn Trung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân, cho biết: Tại các xã trong huyện đều có hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Các hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng/năm khoảng 20 hộ. Điển hình như hộ ông Lê Mo Dõn ở xã Xuân Phước với mô hình trồng sắn, mía, nuôi bò kết hợp với dịch vụ vận tải, thu nhập bình quân hàng năm trên 120 triệu đồng; hộ ông La Thanh Nông ở xã Phú Mỡ với mô hình xen canh trồng sắn, mía, nuôi bò đã cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Nhiều cựu chiến binh như Mang Xíu, Mang Kỷ ở xã Xuân Lãnh… làm kinh tế trang trại cũng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm… Trên địa bàn huyện, tuy tỉ lệ hộ đồng bào vươn lên trở thành hộ giàu chưa nhiều, chỉ chiếm từ 2%/năm đến 5%/năm, nhưng đây chính là những nhân tố tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác vươn lên xóa nghèo, làm giàu.
BÀI HỌC LÀM GIÀU
Khai hoang mở rộng diện tích sản xuất, rồi thực hiện đa canh, kết hợp trồng rừng với cây công nghiệp, cây lương thực là cách làm lâu nay của nhiều hộ đồng bào. Ông Bàn Nguyên Phượng, dân tộc Dao ở thôn Tân Bình, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Cách đây 20 năm, để có đất sản xuất, tôi phải khai hoang đất đồi núi. Sau khi sở hữu 5ha đất, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp và chọn phương thức sản xuất đa canh để gia đình vừa có lương thực ăn hàng ngày, vừa có sản phẩm bán cho nhà máy chế biến. Tôi sử dụng 0,5ha canh tác lúa nước hai vụ; 0,5ha trồng bắp; 1,5ha trồng sắn; 0,5ha cà phê và 2ha trồng cao su. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Áp dụng kỹ thuật canh tác mới và mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào cánh đồng để phát triển chuyên canh, đã mang lại cho nhiều hộ đồng bào dân tộc có thu nhập cao. Điển hình như Y Nam, dân tộc Chăm Hroi ở thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên, với 6ha trồng mía, nhờ biết học hỏi kỹ thuật mới và mạnh dạn mua máy móc phục vụ sản xuất nên mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Y Nam cho biết: Thôn Nguyên Xuân thuộc vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, nên muốn làm giàu phải nâng cao sản lượng, chất lượng cây mía. Muốn vậy phải áp dụng kỹ thuật mới và dựa vào cơ giới hóa để giải phóng sức lao động. Và tôi đã tình nguyện theo học các lớp tập huấn phương pháp chăm sóc đúng kỹ thuật trong sản xuất; đầu tư vốn mua một máy trồng mía, máy làm cỏ, máy bơm nước; nhờ vậy mà cây mía phát triển tốt, cho năng suất cao. Ngoài ra, tôi còn góp vốn mua xe tải để hợp đồng vận chuyển mía cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam. Hàng năm, gia đình tôi có thu nhập từ 140 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng.
Vừa sản xuất nông nghiệp vừa kết hợp làm nghề, phục vụ bà con trong sản xuất nông nghiệp cũng là cách làm giàu của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Rơ Chăm Y Khoai, dân tộc Ê Đê ở buôn Độc Lập C, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), cho biết: Từ trồng mía, sắn và nuôi bò, tôi có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn mua máy cày, máy xay xát về làm dịch vụ thuê cho bà con. Mỗi năm, từ hai dịch vụ này mang lại thêm thu nhập cho gia đình từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Nhìn vào cách làm kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc hiện nay, cho thấy người dân không chỉ biết khai hoang đất để có đất sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác mới và sử dụng cơ giới hóa để chuyển từ đa canh sang chuyên canh, mà còn biết phát triển các dịch vụ kinh doanh. Điều này cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, biết nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Chăm chỉ, cần cù lao động, cộng với không ngừng tiếp cận khoa học kỹ thuật mới là yếu tố quyết định đến thành công của các hộ kinh tế giỏi là người đồng bào dân tộc thiểu số. “Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhân lên những điển hình tiên tiến làm kinh tế trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp bà con thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu, mạnh dạn đầu tư và tiếp nhận các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Có như vậy mới nhanh xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế giữa đồng bằng với miền núi”, ông Đại nói.
MINH DUYÊN