Thứ Hai, 25/11/2024 15:05 CH
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 13,65 tỉ USD
Thứ Bảy, 06/09/2014 19:11 CH

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Công ty may Hà Bắc, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: TTXVN

Theo thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương tháng 8 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ.

 

Tính chung 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 13,65 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau 2 năm bị “chiếm ngôi”, dệt may đã trở lại vị trí dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong nhóm ngành công nghiệp chế biến.

 

Tuy nhiên theo bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) dù có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn khá khiêm tốn. Nguyên do là ngành phải nhập quá nhiều nguyên phụ liệu cho sản xuất khi chỉ chủ động được 1% nhu cầu bông, 20,2% nhu cầu vải. Riêng với nguyên liệu sợi, ngành dệt may có năng lực sản xuất 6 triệu cọc sợi mỗi năm nhưng do chất lượng không đạt yêu cầu nên chỉ 30% sản lượng sợi được sử dụng cho sản xuất.

 

Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu một cách bị động, sản xuất gia công là chủ yếu, thiếu đội ngũ thiết kế mẫu mã sản phẩm. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

 

Có thể thấy, ngành dệt may Việt Nam đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng. Dưới áp lực của các hiệp định thương mại sắp được ký kết, ngành đang nỗ lực tìm mọi cách phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, thay đổi phương thức sản xuất. Đây cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng cho sản phẩm dệt may xuất khẩu. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất, hướng dần tới những phương thức sản xuất hiện đại hơn, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

 

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhận định: với cơ sở nhiều năm làm hàng gia công, doanh nghiệp đã tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng được đơn hàng khó…, tạo nền tảng tốt cho các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm).

 

Tuy nhiên, tiến tới các phương thức sản xuất cao hơn nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm Việt Nam sắp ký hàng loạt các hiệp định thương mại. Do vậy, các doanh nghiệp cần lượng sức và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực. Với các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cần lưu ý nghiên cứu thị trường, sản xuất theo nhu cầu.

 

Để duy trì đà tăng trưởng này trong tháng 9 này và những tháng còn lại của năm nay, cùng với việc triển khai thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, ổn định thị trường trong nước; bảo đảm an toàn trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường ngoài nước nhằm đa dạng hóa thị trường cho các sản phẩm nội địa. 

 

Đặc biệt, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp; giảm hàng tồn kho; tăng cường xuất khẩu; kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek