Thứ Hai, 25/11/2024 15:03 CH
Dự án phát triển cao su tiểu điền:
Khó khăn bủa vây người trồng
Thứ Bảy, 06/09/2014 14:00 CH

Người dân tham gia dự án Phát triển cao su tiểu điền ở huyện Sơn Hòa và Sông Hinh đang gặp khó - Ảnh: L.HẢO - Ảnh: N.XUÂN

Vay vốn trồng cao su theo dự án Phát triển cao su tiểu điền cách đây hơn chục năm, đến nay, do năng suất mủ không ổn định, giá mủ ngày càng rớt thê thảm nên nông dân ở 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm nguồn trả nợ cho ngân hàng.

 

MỦ ÍT, GIÁ GIẢM

 

Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó giám đốc Agribank Phú Yên cho biết: Hiện tổng dư nợ cho vay theo dự án Phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh hơn 39 tỉ đồng với 363 hộ còn dư nợ. Lãi suất đang được áp dụng theo quy định của dự án là 9,72%/năm, cao hơn trần lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vì vậy, Agribank Phú Yên đã kiến nghị các cơ quan liên quan xem xét giảm lãi suất; đồng thời tiếp tục gia hạn, giãn nợ cho các hộ dân vay vốn trồng cao su tiểu điền.

Những ngày này, trong khi nhiều hộ gia đình xung quanh đã buông xuôi, không muốn cạo mủ cao su nữa, thì hộ ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn Vân Hòa, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) vẫn kiên nhẫn bám trụ, cạo mủ bán kiếm ít tiền chi tiêu hàng ngày. Ông Tùng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng hạn kéo dài khiến năng suất mủ cao su giảm; giá mủ cũng rớt thê thảm, chỉ còn khoảng 11.000 đồng/kg mủ đông, bằng 1/3 giá của năm 2011. Trong khi đó, chi phí phân bón, công chăm sóc, công cạo mủ đều tăng nên hiện người trồng đang bị lỗ nặng. Nhiều hộ phải bỏ vườn, đi làm mướn kiếm sống. Riêng gia đình tôi huy động vợ chồng, con cái trong nhà đi cạo mủ, bớt được tiền công thuê mướn nên còn dư chút ít để đi chợ qua ngày”. Ông Tùng phân tích: Với giá mủ cao su như hiện nay, đến hết năm, nông dân sẽ thu được khoảng 15 triệu đồng/ha. Thế nhưng, chi phí phân bón hết 5 triệu đồng, thuốc cỏ 2 triệu đồng, mua tô chén kiềng máng 4,5 triệu đồng, công lao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/người/ngày thì thu không đủ bù chi.

 

Còn ông Trương Văn An ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) thì than thở: Gia đình tôi có 4,5ha cao su đang đến kỳ cho mủ. Những tưởng sau bao năm vất vả, đầu tắt mặt tối với rừng cao su, giờ có thể thảnh thơi hưởng lợi thì bao nhiêu khó khăn lại bủa vây. Nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua, cao su chẳng thèm cho mủ, vợ chồng tôi phải chia nhau, người đi làm mướn, người ở nhà chăm sóc cao su, hy vọng những tháng tới đây, tình hình sẽ đỡ hơn.

 

Theo Sở NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh so với các năm trước, khiến thu nhập của người trồng cao su bị ảnh hưởng, tạo tâm lý không ổn định cho nông dân. Mặt khác, nắng hạn kéo dài từ tháng 12/2013 đến nay đã làm giảm năng suất cao su nói riêng, thiệt hại nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác của người dân miền núi nói chung làm cho nông dân càng khó khăn hơn.

 

KIẾN NGHỊ GIẢM LÃI SUẤT, KHOANH NỢ

 

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng, điều phối viên dự án Phát triển cao su tiểu điền tại Phú Yên cho biết, dự án này được triển khai từ năm 1999 trên địa bàn 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Đến năm 2006, dự án kết thúc giai đoạn 1; sau đó tạm ngưng một thời gian, đến năm 2011 thì khởi động lại. Giai đoạn đầu, các hộ nông dân tham gia dự án được hỗ trợ chi phí đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng thời được vay vốn ưu đãi để đầu tư khoan hố, mua cây giống, phân bón về trồng và chăm sóc cao su. Từ năm 2011 đến nay, dự án chủ yếu hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và khai thác mủ cao su hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có hơn 3.200ha cao su tiểu điền, trong đó có khoảng 1.800ha thuộc dự án.

Hiện nay, theo những nông dân trồng cao su thuộc dự án Phát triển cao su tiểu điền thì khó khăn lớn nhất của họ là việc tìm nguồn trả nợ cho ngân hàng.

 

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Ban đầu, trong giai đoạn tập huấn, để khuyến khích chúng tôi tham gia dự án, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều ưu đãi có lợi cho nông dân. Cụ thể, người trồng cao su sẽ được vay vốn dài hạn ở Ngân hàng NN-PTNT các huyện trong thời gian 18 năm với lãi suất 0,81%/tháng. Riêng trong 8 năm đầu, người vay được hoãn trả nợ gốc, lãi; từ năm thứ 9 trở đi, khi cao su bắt đầu cho mủ, lãi suất được tính bằng 25% tổng giá trị sản phẩm thu được. Ngoài ra, trong trường hợp giá cao su trên thị trường biến động bất lợi, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của nông dân, thì Nhà nước sẽ có biện pháp giải quyết. Nghe vậy, nhiều nông dân vui mừng đăng ký tham gia dự án với hy vọng được đổi đời. Thế nhưng, sau bao năm chăm sóc, đến khi nông dân bắt đầu cạo mủ thì không thấy ai tới thu mua, bán cho thương lái thì bị ép giá. Theo ông Tùng, với mức vay 5 triệu đồng/ha đầu tư ban đầu, từ 2 đến 3 triệu đồng/ha cho mỗi năm chăm sóc cao su, đến nay, số tiền cả gốc và lãi mà gia đình ông Tùng nợ ngân hàng đã lên đến gần 200 triệu đồng. Vốn đầu tư ban đầu chưa kịp thu hồi, lợi nhuận đâu chưa thấy, chỉ thấy giấy nợ của ngân hàng gửi đến tới tấp, giờ đây ông Tùng không biết làm cách nào để có thu mà trả nợ cho ngân hàng.

 

Tương tự, hộ bà Trương Thị Hương ở cùng thôn Vân Hòa, xã Sơn Long, hiện cũng gánh món nợ gần 100 triệu đồng từ việc vay vốn phát triển cao su tiểu điền. “Với tình hình này, chúng tôi đang tính đến đường bán đất trả nợ. Nhưng kẹt nỗi, hiện cao su không đem lại lợi nhuận thì chẳng biết ai muốn mua đất trồng cao su để mà bán” - bà Hương bộc bạch.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek