Những ngày qua, mưa kéo dài trên diện rộng; nông dân đã xuống giống trồng đậu đỏ, đậu phộng, bắp trên vùng đất gò đồi trước đó trồng mía, sắn nhưng bị chết do nắng hạn.
Chiều, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Lụa ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) lui cui trỉa bắp trên đám sắn trồng ở vùng gò đồi sau nhà. Ông Lụa cho hay: “Chúng tôi trồng sắn cách đây 4 tháng nhưng nắng quá, sắn không chịu nổi nên đã chết héo. Giờ mưa xuống, đất ướt, chúng tôi tận dụng trỉa bắp lấp chỗ đất trống, chứ bỏ hoang phí đất”.
Rẫy sắn của ông Trần Văn Dũng ở xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) rộng 0,5ha chết gần phân nửa. Phân, giống, công cày, công chăm sóc… tốn gần 3 triệu đồng. “Vùng này nhiều đám sắn trồng từ 2 đến 3 tháng nhưng cao không quá gang tay người lớn. Chỉ có sáng sớm lá sắn thấm hơi sương tươi một chút, còn từ nửa buổi sáng đến chiều, lá sắn héo rũ xuống. Nắng áp quá, thân cây cũng chết héo theo. Giờ tôi trỉa đậu đỏ, chờ đến mùa thu hoạch gỡ lại vốn” - ông Dũng nói.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, niên vụ 2014-2015, nông dân toàn huyện trồng được 4.000ha sắn. Thời tiết nắng hạn kéo dài làm cây còi cọc kém phát triển, một nửa diện tích sắn bị chết, người dân phải phá bỏ, chờ trời mưa để trồng lại. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Phòng phối hợp chặt chẽ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện thường xuyên kiểm tra và trực tiếp hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng trên vùng đất khô hạn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương tranh thủ trời mưa, đôn đốc người dân trồng xen các loại hoa màu trên vùng đất trước đây cây trồng bị chết do nắng hạn.
Dọc theo Trục giao thông phía tây Phú Yên, từ xã Sơn Định qua xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đến xã Ea Trol và xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), hàng trăm héc ta sắn trồng ở vùng gò đồi không chịu được sức nóng gay gắt, chết nên thưa thớt. Chỉ tính riêng xã Sông Hinh, 36ha cây trồng cạn có khả năng mất trắng; trong đó, sắn gần 25ha, lúa 10ha, còn lại là bắp. Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: “Nắng hạn gay gắt, nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã bị khô héo. UBND xã đã triển khai công tác chống hạn, điều tiết nước tưới tiêu hợp lý. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hầu hết các khu vực không chủ động nguồn nước chỉ hoàn toàn chờ trời mưa. Số diện tích sắn chết, người dân đang trồng đậu đỏ, bắp…”.
Không chỉ có cây sắn mà nhiều diện tích mía ở các xã Sơn Định, Ea Chà Rang, Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) kém phát triển vì hạn. Mía vụ gốc khả năng đâm chồi kém, còn mía vụ tơ sức nảy mầm kém, ảnh hưởng đến giai đoạn vươn lóng, dẫn đến năng suất thấp. Hiện nay, tranh thủ trời mưa, nông dân phá bỏ vùng mía còi cọc, kém phát triển; trỉa đậu đỏ, bắp xen lẫn vào diện tích mía bị khô hạn, chết.
Theo Sở NN-PTNT, đến nay, toàn tỉnh trồng được 20.195ha mía, giảm 12,3%; 14.700ha sắn, giảm 20,5% so cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến diện tích gieo trồng các loại cây đều giảm là do thời tiết từ đầu năm đến nay nắng nóng liên tục kéo dài, khô hạn cục bộ, nhất là ở khu vực miền núi, gây bất lợi cho việc xuống giống các cây trồng cạn. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT, cho biết: “Gần 6 tháng qua, toàn tỉnh hầu như không có mưa để bổ sung nước nguồn. Vì thế, phần lớn các diện tích mía, sắn và ngay cả lúa đều bị thiệt hại. Những ngày qua, mưa bắt đầu rải rác, sở chỉ đạo các địa phương và nông dân tiến hành trồng dặm, trồng xen các loại cây hoa màu phù hợp trên vùng đất để tăng thu nhập”.
LÊ TRÂM