Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bản thân, nhiều hộ nông dân ở huyện Phú Hòa xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.
Thời gian qua, tại huyện Phú Hòa nhiều phong trào thi đua đã được triển khai như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi theo phương châm “Ai giỏi nghề gì làm nghề đó” tạo được động lực để bà con nông dân phát triển kinh tế. Phong trào này đã tạo được nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả như: mô hình sản xuất thâm canh cây lúa xen canh, luân canh cây màu và trồng cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp chăn nuôi; mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; mô hình sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề dịch vụ… Ông Nguyễn Văn Tình ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông cho biết: Năm 2000, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2001, gia đình tôi vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con bò về nuôi. Tận dụng sức kéo của bò, tôi làm thêm dịch vụ cày ruộng để kiếm thêm tiền. Có ít vốn, vợ chồng tôi mua thêm ruộng để trồng lúa và rau màu, nhờ vậy mà nguồn thu nhập của gia đình ngày một ổn định. Đến nay, gia đình tôi đã nuôi được 4 con bò thịt, canh tác 2ha hoa màu và lúa nước, cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và phát triển sản xuất bền vững. Tương tự, hộ ông Lê Văn Lý ở xã Hòa Trị cũng thoát nghèo nhờ trồng trọt kết hợp chăn nuôi và làm dịch vụ. Ông Lý cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, cuộc sống nghèo khó; đến khi lập gia đình cuộc sống lại càng túng thiếu gấp bội vì ít ruộng đất, vốn liếng, không có nghề nghiệp ổn định. Nhận thấy dịch vụ cày thuê đang rất “thịnh”, vốn đầu tư cũng không cao nên vợ chồng ông vay tiền mua một máy cày tay về cày thuê. Khi tích lũy được ít vốn, vợ chồng ông mở rộng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Hiện, vợ chồng ông trồng được 9 sào lúa nước, nuôi 4 con bò, làm dịch vụ cày thuê, thu gom rác thải cho HTX Hòa Trị 2, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Trong thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Phú Hòa còn vươn lên làm giàu nhờ biết cách làm và áp dụng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như hộ ông Trần Xuân Bình ở thôn Đông Bình, xã Hòa An. Khi được Phòng NN-PTNT huyện và Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung tập huấn mô hình trồng cây diệp hạ châu để cung cấp cho trung tâm sản xuất dược liệu, gia đình ông Bình đăng ký tham gia. Ông Bình cho biết: Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy cây diệp hạ châu rất phù hợp với vùng đất cát pha nên ban đầu tôi chuyển đổi 2.500m2 đất lúa sang trồng thử nghiệm loại cây này. Sau 45 ngày trồng, gia đình tôi thu hoạch được 5 tấn cây, được bao tiêu với giá 2.700 đồng/kg. Cây diệp hạ châu dễ trồng lại canh tác được nhiều vụ trong năm, cho thu nhập cao hơn lúa nên từ năm 2012 đến nay, gia đình tôi đã chuyển 6.000m2 đất ruộng sang trồng loại cây này, bình quân mỗi năm tôi trồng 3 vụ diệp hạ châu và 1 vụ lúa, cho thu nhập (trừ các khoản chi phí) trên 220 triệu đồng/năm. Nhờ vậy kinh tế gia đình tôi đã khá giả, có điều kiện để giúp đỡ, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động của địa phương. Còn hộ ông Nguyễn Vũ Thoại ở thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội lại là một điển hình nông dân làm giàu nhờ sản xuất mía và làm dịch vụ. Ông Thoại cho hay: Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông chỉ có 2 chỉ vàng để vợ mua bán sắn, còn ông làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Sau khi tích lũy được ít vốn, vợ chồng ông mua 5ha đất để trồng mía. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến động giá cả và thị trường tiêu thụ mía, vợ chồng ông vẫn kiên trì bám trụ với cây mía và liên tục mở rộng diện tích. Đến nay vợ chồng ông Thoại đã sở hữu gần 60ha mía và nhiều xe tải, máy cày… Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông khoảng 1 tỉ đồng, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động trong xã.
Theo UBND huyện Phú Hòa, nhờ có các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nên thời gian qua, nhiều hộ nông dân của địa phương đã thoát nghèo bền vững; nhiều hộ khác đã vươn lên làm giàu và hỗ trợ nhiều trường hợp khác làm ăn, phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2013, toàn huyện có hơn 8.600 gia đình đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. |
THỦY TIÊN