Thứ Bảy, 05/10/2024 12:21 CH
Tìm lời giải cho bài toán vốn
Thứ Sáu, 30/05/2014 08:16 SA

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều xuất khẩu đang rất cần vốn để duy trì hoạt động - Ảnh: L.HẢO

Tại buổi đối thoại giữa các ngân hàng và doanh nghiệp đang hoạt động trong một số khu công nghiệp (KCN) ở Phú Yên, đại diện doanh nghiệp nêu lên những khó khăn mà họ đã và đang đối mặt, đồng thời kiến nghị ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng ngân hàng đã làm mọi cách có thể để cứu doanh nghiệp nhưng rất khó đẩy mạnh tín dụng trong giai đoạn hiện nay vì khách hàng không đáp ứng được điều kiện vay.

 

DOANH NGHIỆP CẦN VỐN

 

Trong những năm qua, nguồn vốn lưu động của Công ty cổ phần Bá Hải (KCN Hòa Hiệp, Đông Hòa) không đáp ứng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Vì thiếu vốn nên công suất chế biến của các nhà máy thuộc doanh nghiệp này chỉ đạt 30%, gây lãng phí đầu tư, hiệu quả kinh doanh thấp. Theo ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, căn cứ tình hình thị trường, nhu cầu khách hàng, sự cần thiết phải phát triển sản xuất, tăng sản lượng và doanh thu xuất khẩu, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014 và 2015. Theo kế hoạch đề ra, tổng doanh thu xuất khẩu ước đạt 20 triệu USD/năm, lợi nhuận mang lại sau thuế 23 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương, nhu cầu vốn lưu động gần 140 tỉ đồng. Trong số này, ngoài vốn tự có, Công ty cổ phần Bá Hải dự kiến vay thêm 100 tỉ đồng từ ngân hàng. Tuy nhiên, mặc dù đã nhiều lần đề nghị nhưng do không còn tài sản thế chấp nên doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn. “Với những quy định ngặt nghèo về điều kiện vay như hiện nay, Công ty cổ phần Bá Hải gần như không còn cơ hội vay thêm vốn để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi mong muốn ngân hàng có cơ chế chính sách về tín dụng thông thoáng, thiết thực đối với từng doanh nghiệp cụ thể; đánh giá đúng nhu cầu vay vốn chính đáng của các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để hỗ trợ, giúp khách hàng vượt qua khó khăn, làm ăn có lãi”, ông Hồng nói.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phú Yên (KCN An Phú, TP Tuy Hòa) thì cho hay: Trước đây, doanh nghiệp chuyên sản xuất hạt điều xuất khẩu; thị trường chủ yếu là các nước Anh, Australia, Mỹ, Canada, Trung Quốc…; giải quyết việc làm cho 730 công nhân, trong đó gần 90% là lao động nữ. Trải qua giai đoạn lao đao của ngành Điều, để duy trì hoạt động, hiện Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phú Yên nhận gia công điều cho một đơn vị khác, hàng tháng thu về từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng. Theo bà Dung, trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp đã nỗ lực tự cứu mình bằng cách chuyển từ việc tự doanh sang gia công nhằm duy trì hoạt động, trả lãi ngân hàng. Điều này thể hiện thiện chí và lòng tự trọng của doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu cứ tiếp tục tình trạng nói trên, cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phú Yên làm suốt đời cũng chỉ có thể trả lãi mà thôi. “Để doanh nghiệp “sống”, chúng tôi mong muốn ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ gốc trong 8 năm, gia hạn lãi, ưu tiên thu nợ gốc, giảm lãi suất cho vay, đồng thời cho vay mới từ 1,5 đến 2 tỉ đồng để doanh nghiệp có tiền trả lương đúng hạn cho công nhân, chi trả các khoản điện, nước, bảo hiểm… phát sinh và tiếp tục hoạt động”, bà Dung nói.

 

Không thuộc diện khó khăn như 2 doanh nghiệp nêu trên nhưng hiện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina (KCN Hòa Hiệp) cũng cần vay hơn 40 tỉ đồng vốn trung, dài hạn để đầu tư nhà xưởng, thiết bị cho nhà máy sản xuất gạo xuất khẩu. Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, đây là một dự án phục vụ cho chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp nên hy vọng UBND tỉnh, các sở, ngành cùng ngân hàng quan tâm, tạo điều kiện để nhà máy sớm được xây dựng và đi vào hoạt động. Theo ông Phong, để chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thực sự mang lại hiệu quả, UBND tỉnh cần có quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Lúc đó, doanh nghiệp mới giải được bài toán khó về tài sản đảm bảo, ngân hàng cũng vững tin hơn khi cung ứng vốn cho doanh nghiệp.

 

NGÂN HÀNG MUỐN AN TOÀN

 

Tại buổi đối thoại, ông Hà Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Phú Yên (BIDV Phú Yên) cho biết, năm 2014 đã trôi qua gần một nửa nhưng kế hoạch tín dụng của ngân hàng vẫn chưa đạt như mong muốn. Hiện BIDV Phú Yên rất cần đẩy vốn tín dụng ra thị trường nhưng chưa tìm được doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để cho vay. Đối với một số khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng đã giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, khoanh một phần lãi… nhưng doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi được sản xuất, kinh doanh, khiến chất lượng dư nợ giảm, nợ xấu phát sinh. Điều này gây áp lực rất lớn cho ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn vốn. Theo ông Huy, đối với một số doanh nghiệp thì vốn đang “đóng băng” ở hàng tồn kho. Vì vậy, chỉ cần giải phóng lượng hàng tồn này, doanh nghiệp sẽ tự khắc có tiền để tiếp tục đầu tư mới. Riêng đối với các dự án kêu gọi vốn đầu tư trong thời điểm này, BIDV Phú Yên phải xem xét thật kỹ trước khi quyết định cho vay.

 

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Phú Yên (VietinBank Phú Yên) thì ví von: Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng giống như môi với răng. Môi hở thì răng lạnh, doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng cũng lao đao. Vì vậy, trong thẩm quyền của mình, các ngân hàng đã dùng mọi cách để cứu doanh nghiệp. Về phần mình, doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, củng cố nội lực, minh bạch tài chính… để ngân hàng có thể xem xét cho vay. Đối với các khách hàng làm ăn hiệu quả, cần vốn để đầu tư mới, ngân hàng sẵn sàng phục vụ.

 

Tại buổi đối thoại, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt đề nghị, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng thương mại tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp giải bài toán vốn để có điều kiện tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền quyết định của địa phương, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cần sớm có văn bản kiến nghị cùng với tỉnh để Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN NGỌC ẨN: Ngân hàng cứu doanh nghiệp cũng là cứu chính mình

 

Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đứng ra kết nối, nhận diện các doanh nghiệp, dự án đầu tư để giới thiệu ngân hàng cho vay. Đây là một sự đảm bảo rất lớn về mặt chính trị. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, trước hết, các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch tình hình tài chính để ngân hàng đánh giá đầy đủ những thuận lợi, khó khăn trước khi quyết định cho vay. Doanh nghiệp cũng phải có vốn tự có nhất định, sau đó vay thêm vốn ngân hàng thì mới phát triển bền vững. Về phần mình, ngân hàng cứu doanh nghiệp trong thời điểm này cũng là cứu chính mình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phải cứu bất cứ doanh nghiệp nào khó khăn mà cần phân loại cụ thể. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém, không còn hướng phát triển thì chấp nhận tự đào thải. Ngược lại, doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thì nên hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn. Lúc này, ngân hàng phải giám sát chặt chẽ dòng tiền của doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng định hướng, sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.

 

PHÓ GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHI NHÁNH PHÚ YÊN NGUYỄN VĂN HÀN: Tỉnh cần có cơ chế bảo lãnh vay vốn cho những lĩnh vực ưu tiên

 

Thông qua buổi đối thoại giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, chúng ta có thể nhận diện và phân loại được 3 nhóm doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, nợ ngân hàng không còn khả năng chi trả. Nhóm thứ 2 là các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện để ngân hàng cho vay. Nhóm thứ 3 là các doanh nghiệp hoạt động ổn định, làm ăn có lãi và đang được ngân hàng “chăm sóc” kỹ. Hiện các doanh nghiệp nhóm 1 đang cần sự giúp đỡ tối đa từ ngân hàng. Vì vậy, trong thời gian chờ cơ chế, chính sách của Nhà nước, tôi kêu gọi các ngân hàng rà soát lại một lần nữa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp được tỉnh chọn thực hiện các chương trình liên kết sản xuất trong nông nghiệp, thủy sản, ngân hàng cần tăng cường công tác quản lý, hợp tác chặt chẽ với khách hàng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn vay.

 

Ngành Ngân hàng kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cần có cơ chế bảo lãnh vay vốn cho những lĩnh vực tỉnh ưu tiên, khuyến khích phát triển; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu để có nguồn vốn tiếp tục vòng quay tín dụng. Cả hệ thống chính trị đứng sau ngân hàng, doanh nghiệp sẽ tạo được niềm tin để ngân hàng đồng hành, tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển.

 

 

LÊ HẢO

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek