Để sản xuất nông nghiệp của các hộ thành viên đi vào đồng bộ, Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp 1 phường 9 (HTX 1 phường 9) mong muốn được quản lý toàn bộ diện tích đồng chăn thả vịt. Tuy nhiên, UBND phường 9 lại chưa thể bàn giao vì vấn đề an toàn dịch bệnh trên địa bàn.
Quản lý đồng chăn thả vịt trên diện tích ruộng của HTX 1 phường 9 vẫn thuộc quyền của UBND phường 9 (TP Tuy Hòa)- Ảnh: M.DUYÊN
HTX 1 phường 9, TP Tuy Hòa có diện tích sản xuất lúa 2 vụ 293,5ha. Đơn vị đang thực hiện các dịch vụ tưới tiêu, cày đất, tuốt lúa… cho các hộ thành viên, giúp tăng năng suất, chất lượng lúa, từng bước nâng cao đời sống thành viên HTX. Tuy nhiên, HTX 1 phường 9 đang gặp khó trong điều tiết nước vào các chân ruộng vì không chủ động quản lý đồng chăn thả vịt. Ông Trần Công Lũy, Giám đốc HTX 1 phường 9 cho biết: Trước thu hoạch, tổ thủy nông của HTX thực hiện cắt nước từ 10 đến 15 ngày, đảm bảo chân ruộng khô, cứng để máy gặt có thể vào đồng. Nhưng nhiều hộ chăn vịt thuê đồng của UBND phường đã tự ý tháo nước khiến cho máy không thể vào đồng, buộc các hộ thành viên phải thuê gặt thủ công, chi phí cao hơn gặt máy từ 200.000 đồng/ha đến 500.000 đồng/ha. Sau thu hoạch, khi ruộng cần “nghỉ” để tái tạo màu chuẩn bị cho vụ sau thì lại bị các chủ chăn vịt
“vắt kiệt sức” và để lại nhiều mầm bệnh cho cây lúa khi vào vụ. Trong quá trình chăn thả vịt, các hộ nuôi thường làm sạt lở bờ kênh khiến hàng năm HTX phải bỏ kinh phí sửa chữa. Để hạn chế tình trạng này, HTX đã phải trả tiền tăng thêm giờ canh đồng cho thủy lợi viên với số tiền 120.000 đồng/người/ngày đêm, nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng tháo nước vào đồng và làm sạt lở bờ kênh. Trong khi đó, HTX là một đơn vị kinh tế tập thể, các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chủ yếu hoạt động công ích “lấy thu bù chi”, nên những khoản phát sinh này đều phải rút từ nguồn vốn kinh doanh hàng năm để “bù” vào.
Không chỉ HTX mong muốn mà các thành viên HTX cũng bức xúc trước việc vào mùa thu hoạch không đưa được máy vào ruộng. Chị Nguyễn Ngọc Xiêm ở khu phố Phước Hậu 1, phường 9 chia sẻ: Vào mùa gặt, nếu thuê máy gia đình tôi trả 2,4 triệu đồng/ha, còn gặt bằng tay thì tiền công lên tới từ 3,6 triệu đồng/ha đến 4,6 triệu đồng/ha, đó là chưa tính đến việc phải lo cơm nước cho thợ gặt cũng như hao hụt lúa hơn vì gặt tay rơi vãi nhiều hơn. Vụ hè thu vừa rồi, gia đình tôi đã gọi máy, khi máy tới ruộng thì ruộng bị tháo nước vô từ lúc nào. Đất nhão, máy không thể đưa xuống ruộng, đành phải gọi thợ gặt, chấp nhận chi phí cao hơn.
“Nếu được quản lý đồng chăn thả vịt, HTX sẽ chủ động trong tưới tiêu điều hành sản xuất nông nghiệp cũng như có thêm một khoản tiền nhỏ để góp vào tu sửa kênh mương hàng năm. Trong quản lý dịch bệnh, là đơn vị trực tiếp bám đồng, HTX cũng sẽ ngay lập tức phát hiện đàn vịt có dấu hiệu bệnh, phối hợp với thú y cơ sở kiểm tra và kịp thời chủng ngừa dịch cúm gia cầm”, ông Trần Công Lũy nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Vũ Minh, Chủ tịch UBND phường 9 cho biết: Từ năm 2005, sau khi xảy ra dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh quyết định giao việc quản lý đồng cho UBND cấp xã, phường quản lý. Đến nay, tỉnh cũng chưa có văn bản nào quyết định về việc bàn giao lại cho HTX. Vì vậy, UBND phường 9 chưa thể giao lại diện tích đồng chăn thả vịt cho HTX 1 phường 9. Quản lý đồng chăn thả vịt đồng nghĩa với việc UBND phường phải chịu trách nhiệm về khống chế an toàn dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm trên đàn vịt, trong khi HTX chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như lực lượng cán bộ thú y để chủ động khống chế dịch khi có những dấu hiệu bệnh đầu tiên. Với những khó khăn của HTX, UBND phường sẽ điều chỉnh lại việc quản lý các hộ chăn thả vịt để không ảnh hưởng tới việc tưới tiêu, thu hoạch của bà con, cũng như phối hợp với HTX để cùng nhau giải quyết, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
BẠCH VÂN