Để nghề khai thác cá ngừ đại dương theo hướng bền vững và hiệu quả, cần thiết phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm từ khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ. Đây là định hướng của Bộ NN-PTNT tại diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị” vừa được tổ chức tại Phú Yên.
Ngư dân phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) chuyển cá ngừ đại dương lên bờ - Ảnh: A.NGỌC
MỐI LIÊN KẾT CHƯA CHẶT CHẼ
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Nghề khai thác cá ngừ đại dương được xác định là nghề khai thác thủy sản chủ lực của tỉnh. Hiện Phú Yên có hơn 830 tàu khai thác cá ngừ, trong đó khoảng 560 tàu chuyên khai thác cá ngừ đại dương, hầu hết tàu bằng vỏ gỗ có công suất máy từ 90CV trở lên. Lao động tham gia khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh khoảng 5.200 người, hầu hết chưa qua đào tạo hoặc đào tạo nhưng chưa bài bản, hành nghề dựa vào kinh nghiệm là chính. Công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác còn thiếu và lạc hậu, chủ yếu sử dụng đá xay để bảo quản cá”.
Không chỉ Phú Yên, các tỉnh có nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển như Bình Định, Khánh Hòa cũng ở tình trạng tương tự nên chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, giá trị kinh tế rất thấp. Thêm vào đó, công tác dự báo ngư trường còn hạn chế, việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu, giá cả các loại nhu yếu phẩm cho chuyến biển ngày càng tăng, đặc biệt là xăng dầu. Tình hình an ninh trên biển còn nhiều phức tạp, việc hợp tác mở rộng ngư trường khai thác ra vùng biển quốc tế chưa được quan tâm… Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT), hiện ngư dân chỉ quan tâm đến năng suất chứ chưa chú ý đến nhu cầu của thị trường để tăng giá trị sản phẩm. Trong mối liên kết của chuỗi sản phẩm cá ngừ, khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và thu mua, tiêu thụ cá ngừ sau khai thác là những khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm cá ngừ. Sự liên kết hiện nay không những không tạo nên mối liên kết hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng đến việc sụt giảm chất lượng, giá trị của sản phẩm…
THÍ ĐIỂM LIÊN KẾT ĐÁNH BẮT, TIÊU THỤ
Theo ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), muốn nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương bằng phương pháp câu vàng truyền thống, ngư dân phải am hiểu ngư trường, luồng cá, vị trí cá tập trung theo mùa, thời tiết và mồi câu phù hợp. Công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch là yếu tố quyết định về chất lượng, nhưng đa số tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên đang dùng đá xay để bảo quản cá nên chất lượng không đảm bảo. Nhà nước nên thành lập các tổ đội tàu thuyền mạnh, bố trí những tàu hậu cần theo để thu mua sản phẩm đưa vào bờ kịp thời. Đây là mô hình mà Phú Yên cần tính toán và triển khai nhân rộng. Còn theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện hầu hết các tàu đánh bắt mỗi chuyến biển phải chạy đua với mùa trăng. Họ phải tranh thủ bán sản phẩm trước khi mùa trăng đến. Tình trạng nhiều tàu bán sản phẩm ồ ạt trong một thời điểm là nguyên nhân để các thương lái ép giá. Nếu có tàu thu mua và bảo quản tốt để giãn thời gian bán sản phẩm ra thì chắc chắn cá ngừ đại dương sẽ giữ được giá. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ tàu phải liên kết lại. Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên bày tỏ quan điểm: “Chính phủ nên có gói hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân với thời gian trung và dài hạn với lãi suất đặc biệt ưu đãi khoảng dưới 2% để họ vay vốn cải hoán, đóng tàu mới và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật mới đảm bảo đánh bắt hiệu quả, bảo quản sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường”.
Theo Tổng cục Thủy sản, để tổ chức lại hoạt động khai thác cá ngừ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và bền vững thì phải cơ cấu lại đội tàu khai thác bằng nghề câu và phát triển nghề lưới vây. Đồng thời, tổ chức thí điểm mô hình liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi trên cơ sở doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu làm trung tâm và điều hòa toàn bộ hoạt động của chuỗi. Ngoài ra, đội tàu khai thác và dịch vụ hậu cần hiện có cần nâng cấp công suất máy, vỏ tàu, ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm và trang thiết bị hàng hải tiên tiến.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách tín dụng thương mại đặc thù cho cải tạo, nâng cấp và đóng tàu mới; cải tạo, nâng cấp cơ sở thu mua chế biến cá ngừ của các doanh nghiệp; ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA cho thủy sản để đầu tư cảng cá ngừ chuyên dụng. Bộ NN-PTNT tạo cơ hội cho người sản xuất cá ngừ tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá ngừ; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh sản phẩm cá ngừ. Bộ NN-PTNT cũng xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật bảo quản sản phẩm và chế biến cá ngừ; triển khai công tác dự báo ngư trường và hoạt động giám sát nguồn lợi trên cơ sở triển khai đề án Dự báo ngư trường khai thác hải sản giai đoạn 2013-2020.
Hiện đội tàu khai thác cá ngừ đại dương ở nước ta khoảng 3.500 chiếc với khoảng 35.000 ngư dân tham gia. Ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển miền Trung và giữa biển Đông, trữ lượng khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ vằn chiếm khoảng 50%, khả năng khai thác khoảng 200.000 tấn/năm; cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to trữ lượng khoảng 45.000 tấn, khả năng khai thác khoảng 17.000 đến 21.000 tấn/năm. Năm 2013, sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to của cả nước đạt hơn 15.900 tấn (trong đó Bình Định khoảng 8.500 tấn, Phú Yên khoảng 4.530, Khánh Hòa khoảng 2.900 tấn), sản lượng cá ngừ vằn khoảng 45.000 tấn (Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) |
ANH NGỌC