Vượt hơn 20km trên con đường trải nhựa, chúng tôi trở lại xã vùng sâu Sông Hinh, huyện miền núi Sông Hinh. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến đây là niềm vui đang đến với mọi người, mọi nhà.
Mô hình sản xuất hồ tiêu đang được người dân xã Sông Hinh triển khai nhân rộng - Ảnh: N.CƯỜNG
Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết: Những năm qua, cùng với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã Sông Hinh đã lãnh đạo, định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Lê Ngọc Hải, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, trong năm 2013 địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm đề án trồng tiêu cho 8 hộ dân với diện tích 0,8ha, tiếp nhận và hỗ trợ giống sắn mới thay thế giống cũ bị nhiễm bệnh cho 8/8 thôn, buôn, thực hiện tốt mô hình cánh đồng mẫu lớn giống lúa lai TH 3-3 với diện tích trên 13ha. Công tác tiêm phòng lở mồm long móng cho đàn trâu, bò đạt gần 93% tổng đàn, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cũng được triển khai có hiệu quả…
Từ khi có trục dọc miền Tây, việc tiêu thụ hàng hóa nơi đây thuận lợi hơn, nông sản làm ra không bị tư thương ép giá, bà con đã tập trung đầu tư thâm canh sản xuất. Tuyến đường đã thay đổi diện mạo cả một vùng đất được xem là heo hút này. Ma Tý, già làng ở buôn Suối Dứa phấn khởi nói: “Trước đây, chưa bao giờ bà con các buôn làng trong xã xây dựng nhiều nhà đẹp như bây giờ. Nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước, nông dân đã làm ăn hiệu quả, đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu; đời sống từng bước được nâng lên”.
Cũng nhờ có được hướng dẫn, hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với hơn 200ha đất canh tác lúa 2 vụ, năng suất lúa bình quân đạt 45 tạ/ha. Bên cạnh đó, một số loại cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su, bắp lai đang đem lại hiệu quả. Hiện toàn xã có gần 238ha cao su, 95ha cà phê, 18,5ha hồ tiêu. Từ các mô hình kinh tế kết hợp, nhiều hộ gia đình như Ma Chem, Y Nẹm, Huỳnh Duy Hải ở thôn 3, Đặng Văn Loan ở thôn Suối Dứa có thu nhập từ 40 đến 100 triệu đồng/năm. Cá biệt có hộ ông Trần Văn Tuấn ở thôn Hòa Sơn, thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Già làng Y Lô ở thôn 2B nói về sự đổi thay của buôn làng: “Bây giờ nhà nào cũng có của ăn của để, bà con rất phấn khởi. Nhiều hộ đã xây được nhà, mua nhiều vật dụng đắt tiền”.
Thành công trong định hướng phát triển đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 55,9% năm 2012 còn 46% năm 20013. Nhiều phong trào, hoạt động như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình văn hóa... từ đó mà đi lên. Trong năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản, thủy sản trên địa bàn xã tiếp tục được tăng cường, đạt được một số kết quả khả quan. Nạn khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyễn gỗ trái phép giảm nhiều; việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng trái phép làm nương rẫy từng bước được ngăn chặn; việc sử dụng xung điện, lưới điện, lò bát quái, lưới quét, lưới đăng có mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản dẫn đến nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường sinh thái dần hạn chế.
Về xã Sông Hinh những ngày này mới thấy cái khó khăn, nghèo đói dần được thay bằng cuộc sống mới, no đủ và văn minh hơn. Tuy là xã vùng sâu nhưng người dân nơi đây đã thể hiện sự phấn đấu vươn lên trong xây dựng cuộc sống mới, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư thông qua việc thực hiện các phong trào xóa đói giảm nghèo, làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Lê Ngọc Hải cho biết thêm: Hiện xã Sông Hinh đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích một số loại cây công nghiệp dài ngày, phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao như cao su, hồ tiêu; ổn định diện tích và nâng cao năng suất một số cây trồng chủ lực của địa phương như sắn, bắp, lúa nước. Đồng thời, có phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đất vùng bán ngập; vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư, phát triển một số loại cây trồng ngắn ngày phù hợp, có hiệu quả kinh tế như ớt, mè, đậu. Mong muốn của nhân dân xã Sông Hinh là được Nhà nước hỗ trợ làm đường vận chuyển nông sản khu vực sản xuất vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh và cải tạo công trình nước tự chảy để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
NGỌC CƯỜNG