Càng gần ngày giáp tết, thị trường càng thêm sôi động, tấp nập người mua, người bán. Nét nổi bật năm nay là hàng Việt dồi dào, chiếm ưu thế; giá cả không biến động.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại huyện Sông Hinh - Ảnh: N.XUÂN
HÀNG HÓA PHONG PHÚ
Mặc dù tối 25/1 Hội Hoa xuân Giáp Ngọ 2014 chính thức khai mạc nhưng những ngày trước đó trên các tuyến đường Lê Trung Kiên, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Tất Thành và các ngã ba, ngã tư của TP Tuy Hòa, hoa tết đã được bày bán. Ngoài người dân của thành phố, bà con ở các huyện lân cận cũng về mua hoa tết nên không khí mua bán trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn trước. Bên cạnh những chậu quất, cúc, mai, ly ly, địa lan, cây cảnh… còn có đồ gỗ mỹ nghệ, vật cảnh, tranh thư pháp và nhiều loại hoa nhựa cũng được trưng bán. Theo anh Lê Văn Đa (khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, TP Tuy Hòa), năm nay thời tiết lạnh kéo dài nhưng hoa vẫn phát triển tốt, đảm bảo cung ứng thị trường.
Tết chỉ có một lần trong năm, nên ai nấy cũng muốn có những chậu hoa thật đẹp để trưng bày trong nhà. Anh Nguyễn Nam (phường 7, TP Tuy Hòa) cho biết, với các loại hoa trang trí trong ngày tết, người mua thích chọn những loại hoa có màu sắc rực rỡ để tạo không khí tươi mới cho gia đình. Tuy nhiên, lượng hoa đẹp không nhiều, nên phần lớn người mua chỉ chọn cúc, quất. Riêng đối với cây cảnh, nhiều người mua chỉ chọn những cây lớn vừa phải để phù hợp với không gian nhà.
Trong khi đó, các mặt hàng bánh kẹo tết năm nay khá phong phú, trong đó rim, mứt dẻo do người dân trong tỉnh làm bán rất chạy. Các sản phẩm của các công ty bánh kẹo nổi tiếng trong nước như Bibica, Kinh Đô… đang chiếm lĩnh thị trường thay thế hàng ngoại.
Các loại đồ uống như bia, rượu, nước giải khát phục vụ Tết Nguyên đán cũng rất sôi động. Theo các đại lý, lượng bia, rượu bán ra thị trường chỉ bằng 2/3 năm ngoái. Nhưng điểm nổi bật của thị trường đồ uống năm nay là một số loại nước ép trái cây, coca cola… không đường, ít đường đang thu hút người mua. Ngoài việc bán nguyên thùng, các cửa hàng thực hiện chiến dịch bán lẻ để đáp ứng yêu cầu của người dân. Anh Trần Minh Tân, chủ một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn (TP Tuy Hòa) cho hay: “Năm nay kinh tế khó khăn, nhiều người đã giảm lượng mua so với mọi năm; do đó, chúng tôi bán lẻ là chính. Người mua nhiều, mua ít đều được cửa hàng cung cấp theo yêu cầu”.
Mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng khá phong phú. Đến thời điểm này, các chủ quầy gia súc, gia cầm ở chợ Tân Hiệp, Tuy Hòa… đã tăng lượng hàng bán ra trong ngày. Trên đường Lương Văn Chánh, Phan Đình Phùng, chỉ từ 2, 3 giờ sáng hàng ngày, gia cầm đã được các tiểu thương trưng bày với số lượng lớn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyển bán gà trên đường Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa) cho biết: Năm nay, người dân mua nhiều trong những ngày cận tết. Giá gà năm nay tương đối ổn định, chỉ riêng gà trống cao hơn 10.000 đến 15.000 đồng/kg vì nhu cầu người mua để cúng tổ tiên nhiều. Đối với mặt hàng tươi sống như thủy hải sản, rau củ quả, trái cây… sức mua cũng tăng cao. Nhiều tiểu thương bán trái cây cho biết, nhiều ngày qua, giá trái cây đã tăng và sẽ còn tăng, nhất là trong 2 ngày giáp tết.
TẾT VIỆT VỚI HÀNG VIỆT
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn kết hợp bán hàng bình ổn giá. Chương trình tạo điều kiện cho người dân vùng xa mua sắm tết an toàn, tiện lợi, giá cả hợp lý.
Để phục vụ nhu cầu sắm tết của người dân nông thôn, miền núi, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã vận động 4 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Các nhóm hàng hóa chủ yếu như lương thực, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang, đồ dùng gia đình… Trong đó, 2 đơn vị được hỗ trợ vốn bình ổn giá là Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa và Công ty cổ phần Thương mại miền núi Phú Yên cũng lồng ghép kết hợp đưa hàng bình ổn giá để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân tại 13 điểm bán hàng cố định và lưu động tại 8 huyện, thị xã vào một số ngày cố định hàng tháng.
Trong phiên chợ lưu động này, 100% hàng hóa là hàng Việt. Các sản phẩm đều có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng và được niêm yết giá cụ thể để người dân tiện lợi lựa chọn, mua sắm. Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết: Tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn lần này, siêu thị mang hơn 200 mặt hàng các loại như đồ dùng gia đình, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, hàng thời trang… Trong đó, một số sản phẩm trong chương trình bình ổn giá và nhiều sản phẩm khuyến mãi, giảm giá được kết hợp để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân nông thôn, miền núi. Tất cả sản phẩm đều là hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 10 đến 30%. Do đó, ngoài việc phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hàng bình ổn giá còn giúp kiểm soát giá cả tại các huyện, hạn chế tình trạng các tiểu thương tự ý nâng giá trong dịp giáp tết. Chị Lương Thị Tòng ở thị trấn Củng Sơn, Sơn Hòa chia sẻ: Tôi thấy hàng hóa ở đây đều là sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, mẫu mã đẹp, chất lượng và giá cả rất rẻ, phù hợp với người dân nông thôn, miền núi.
Tại các phiên chợ hàng Việt, người mua sắm tết tấp nập từ sáng sớm đến tận khuya. Những người tiêu dùng ở đây cho biết họ đã quen với việc có các chuyến hàng Việt do Nhà nước đứng ra tổ chức nhằm đưa hàng Việt có hỗ trợ giá về nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Do vậy, nhiều gia đình chờ các phiên chợ này để sắm tết. Chị Phạm Thị Trinh ở thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh chia sẻ: “Mọi năm tôi hay mua sắm tết tại chợ, giá cả đắt hơn mà dễ gặp phải hàng Trung Quốc kém chất lượng. Năm nay, việc tổ chức chợ phiên với hàng Việt, người dân rất yên tâm về chất lượng và giá cả”.
Sau khi tham khảo các mặt hàng ở phiên chợ hàng Việt tại xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa, chị Lê Thị Khanh (xã Sơn Long) nói: “Đến phiên chợ hàng Việt này có rất nhiều hàng hóa giá rẻ nên người dân rất phấn khởi. Nhờ các chương trình khuyến mãi, giảm giá, bình ổn giá nên tôi đã mua được nhiều hàng nhưng vẫn tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI DÂN SẮM TẾT
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương, thói quen mua sắm tết của người dân năm nay đã thay đổi, thay vì mua hàng sớm thì nay đến ngày cận tết bà con mới mua sắm. Theo thông lệ, thời điểm giáp tết là dịp giá cả được đẩy lên cao, dễ gây biến động nhưng do nguồn cung dồi dào nên hiện giá cả hàng hóa đều ổn định. Năm nay, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch trữ hàng từ sớm nên tình trạng khan hàng sốt giá không xảy ra. Trong những ngày qua, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc kinh doanh của tiểu thương… trên địa bàn tỉnh. Nhằm tạo thuận tiện để người dân mua sắm, trong quá trình kiểm tra, đoàn cũng đã tuyên truyền, vận động người dân không kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... không tăng giá bất hợp lý làm “xáo trộn” thị trường. Riêng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, bán hàng bình ổn giá của các đơn vị, doanh nghiệp được tổ chức rất tốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của người dân. Đặc biệt, chương trình bán hàng bình ổn giá của siêu thị Co.opMart Tuy Hòa năm nay kéo dài đến 28 tháng Chạp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn, miền núi. Một số mặt hàng thiết yếu như hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến… tiêu thụ rất mạnh. Kết quả, lượng người tham gia phiên chợ hàng Việt tăng mạnh.
Còn tại chợ Tuy Hòa, trung tâm mua bán của tỉnh, ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng ban Quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Lượng người mua trong những ngày cận tết rất đông. Để hạn chế tình trạng chen lấn nhau, Ban quản lý (BQL) đã bố trí các cán bộ trực và kiểm soát tại các khu hàng để hướng dẫn tiểu thương sắp xếp, trưng bày hàng hóa theo đúng quy định, trên cơ sở tạo điều kiện đến mức tối đa để người dân mua bán. BQL chợ đang cố gắng điều hành không để xảy ra trường hợp vi phạm hành lang kinh doanh, gây mất trật tự tại nơi mua bán.
KHANG ANH - NGÔ XUÂN