Mảnh đất ngày xưa nơi mà các thi sĩ Tản Ðà, Hữu Loan từng đặt chân và tạc các dấu ấn thi ca, nơi có “đường Hồ Chí Minh” trên biển đi vào lịch sử, nơi đất liền đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc hôm nay đang chuyển động với những dự án công nghiệp lớn, tạo đòn bẩy cho kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại. Trong đó, các dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đang khởi động hứa hẹn cho vùng đất này một diện mạo mới. Ðó là vùng đèo Cả, Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, Ðông Hòa), nơi ngày xưa từng mang tên Ô Rô…
Đồng chí Phạm Đình Cự, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trao giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô (Hà Nội - ngày 6/10/2013) - Ảnh: PHƯƠNG NAM
NHIỀU DỰ ÁN HỐI HẢ KHỞI ÐỘNG
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên, vùng đất ven biển phía nam của tỉnh nằm hầu hết ở địa bàn huyện Đông Hòa - nơi giữ vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển của cả tỉnh. Trên vùng đất này, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch hệ thống các khu kinh tế ven biển của đất nước. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên có hạ tầng hiện đại, làm động lực phát triển cho vùng duyên hải Nam Trung Bộ; là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Camphuchia, Thái Lan. Đây là một khu kinh tế tổng hợp (bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan), với mô hình: cụm cảng tổng hợp và chuyên dùng, công nghiệp lọc, hóa dầu, công nghiệp đa ngành, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp, hình thành một không gian kinh tế độc lập.
Theo ông Nguyễn Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, trên địa bàn huyện không chỉ có những dự án lớn đang khẩn trương triển khai như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, Hầm đường bộ qua đèo Cả, nâng cấp cảng Vũng Rô, Khu trung tâm hành chính và khu dân cư mới Hòa Tâm, mà còn có nhiều dự án khác của các doanh nghiệp đăng ký đầu tư như Khu du lịch Hòn Nưa, Thủy điện nhỏ Đập Hàn, Trạm dừng chân quốc lộ 1, điện gió vùng ven biển… Từ đó đặt ra cho huyện Đông Hòa cần phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, mở rộng hoạt động thương mại - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đó cũng là thời cơ lớn để huyện đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Gần đây nhất, Hầm đường bộ qua đèo Cả đã chính thức khởi công và mới đây tại Hà Nội, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Đồng thời, ký hợp đồng thiết kế tổng thể và trao thầu EPC cho Công ty JGC-Nhật Bản. Theo đó, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô tại KCN Hòa Tâm có tổng vốn đầu tư hơn 3,1 tỉ USD, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy mô công suất từ 4 triệu tấn lên 8 triệu tấn/năm. Ðến nay, dự án đã thực hiện kiểm kê tài sản hoàn thành 134ha đất quy hoạch cảng và gần 200 trong số 404ha đất quy hoạch xây dựng nhà máy. Dự án được xây dựng trên diện tích 538ha, trong đó 404ha đất xây dựng nhà máy, 134ha xây dựng cảng Bãi Gốc và sử dụng từ 500 đến 1.300ha diện tích mặt nước. Theo kế hoạch, dự án được thực hiện từ năm 2011 đến 2015 và bắt đầu vận hành vào năm 2016, giải quyết việc làm ổn định cho 1.300 lao động, mỗi năm đóng vào ngân sách nhà nước khoảng 111 triệu USD. Trước đó, UBND tỉnh đã có chủ trương giao Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư cảng Bãi Gốc, với yêu cầu đầu tư xây dựng thành cảng chuyên dụng, không chỉ phục vụ riêng cho Nhà máy lọc dầu Vũng Rô mà cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ðình Cự, đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương. Đồng thời, là hạt nhân của Khu kinh tế Nam Phú Yên, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho cả Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.
Ảnh: P.NAM
Ngoài dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, hiện nay mặt bằng, hệ thống điện, đường, khu tái định cư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam) cũng được Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đang khẩn trương thi công hoàn thiện, đảm bảo tiến độ. Theo ông Phạm Đình Thuận, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Hải Thạch, đơn vị thành viên Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả - chủ đầu tư dự án, dự kiến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ cho địa phương. Cũng theo ông Thuận, Hầm đường bộ qua đèo Cả có tổng chiều dài gần 13,5km, qua 2 địa phận Phú Yên và Khánh Hòa, có tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô đường cao tốc, tốc độ thiết kế 80km/giờ, với 4 làn xe với 2 hầm lưu thông một chiều. Dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2017.
NƠI TỎA SÁNG ƯỚC MƠ CẤT CÁNH
Chủ tịch UBND huyện Ðông Hòa Nguyễn Tài cho biết: Toàn bộ các dự án lớn của tỉnh nằm trên địa bàn huyện Ðông Hòa, trong đó có dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Ðể phục vụ xây dựng nhà máy, cả xã Hòa Tâm phải di dời 404 hộ đến nơi tái định cư. Bà con rất phấn khởi, mong sao dự án sớm hoàn thành, góp phần tăng nguồn thu của tỉnh, cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương.
Theo quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Hòa của UBND tỉnh, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người ở địa phương này đạt hơn 8.000 USD. Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng huyện Đông Hòa trở thành thị xã công nghiệp, trung tâm giao thương quốc tế, cảng biển lớn của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006-2020 đạt 19,5%/năm, đến năm 2020, chiếm 38,6% nền kinh tế tỉnh; GDP bình quân đầu người đạt 8.059 USD, gấp 2,7 lần so với trung bình chung cả tỉnh. Vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu trên, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2006-2020 ước khoảng 128.900 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng từ 3,5 đến 3,8%. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cũng như chú trọng phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và tăng cường mối liên kết, hợp tác phát triển với các địa phương lân cận…
Có thể nói rằng, mảnh đất ngày xưa nơi mà các thi sĩ Tản Đà, Hữu Loan từng đặt chân và tạc các dấu ấn thi ca, hôm nay đang chuyển động từng ngày và hứa hẹn khai sáng cho vùng đất này một diện mạo mới, tạo đòn bẩy cho kinh tế Phú Yên phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại…
VĂN TÀI – PHƯƠNG NAM