Xã Xuân Lãnh (huyện miền núi Đồng Xuân) chỉ có 85 ha lúa nhưng không một khoảnh đất nào chủ động được nước tưới. Trong vụ đông xuân này, cả 85 ha lúa đều bị khô đến cháy thành rơm đành phải cho bò, ngựa ăn.
85 ha lúa của xã Xuân Lãnh đều phải cho ngựa, bò ăn – Ảnh: LY KHA
Chị Bùi Thị Nhung (ở thôn Lãnh Vân xã Xuân Lãnh), đèo trên xe đạp hai bao lúa, dắt vượt qua con dốc đầy bụi. Cả hai bao lúa đã bị cháy khô, hạt vẫn còn đầy trên thân rơm nhưng không có gạo bên trong. Chị Nhung buồn rầu nói: “Lúa bị cháy hết rồi không thu được một hạt nào, giờ chỉ cắt dần về cho bò”. Theo chị Nhung, vì không chủ động được nước tưới nên vụ ăn vụ mất. Mùa này, năm nhân khẩu trong nhà chị sẽ phải gặp khó khăn.
Cánh đồng Trảng Sầm của thôn Lãnh Vân ước chừng chỉ khoảng hơn ha lúa. Bên những mảnh ruộng cháy khô hoàn toàn, chị Nguyễn Thị Lạc đang cố gặt mớ lúa cháy dang dở, cố đạp lúa để chắt bóp những hạt thóc hiếm hoi. Tôi cầm mớ lúa trên tay vò thử, không có một hạt chắc nào, có hạt nghe ươn ướt vì mồ hôi.
Xuân Lãnh là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Xuân. Ở địa phương này chưa có một công trình thuỷ lợi nào, nên cũng không có một vụ lúa chính nào trong năm. Cả vụ đông xuân này, lúa Xuân Lãnh không nhận được một hạt mưa nào.
Bà Nguyễn Thị Sáng, trồng lúa gần một ao cá ở thôn Lãnh Vân, nhưng cũng phải cho ngựa ăn. Cũng như bao người dân xã Xuân Lãnh, bà Sáng không nghĩ ra được phải lấy nước từ đâu để người dân ở đây bớt khổ. Ông Trần Trung Trinh, cán bộ UBND xã Xuân Lãnh, cho biết: “Mới vào tháng Giêng, các con suối của Xuân Lãnh đã cạn nước. Mọi năm xe qua suối bị ướt máy không nổ được, giờ xe cứ chạy vèo vèo chỉ kịp ướt lốp. Duy nhất khu Vực Thuyền có thể làm công trình thuỷ lợi, nhưng vì địa thế khó nên vốn đầu tư sẽ rất lớn trong khi năng lực tưới quá nhỏ.”.
594 hộ dân của Xuân Lãnh trông chờ vào 85 ha lúa để có nguồn lương thực thế nhưng vụ này họ lại trắng tay.
LY KHA