Thứ Ba, 26/11/2024 04:53 SA
Kinh tế Việt Nam:
Tăng trưởng còn dựa vào vốn và tài nguyên
Thứ Tư, 18/12/2013 08:06 SA

Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn. Mặc dù tăng trưởng GDP đạt 5,4% nhưng nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi 2 động lực tăng trưởng chính là khai thác tài nguyên thô và đầu tư công đang ngày một cạn kiệt và ngày càng siết chặt. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng cao năng suất và hiệu quả doanh nghiệp và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý.

duoc131218.jpg

Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp cần chú trọng năng suất lao động và tăng hàm lượng KH-CN trong sản phẩm. Trong ảnh: Sản xuất thuốc tiêm ở Công ty cổ phần PYMEPHARCO có hàm lượng KH-CN cao - Ảnh: N.TRƯỜNG

CHẤT LƯỢNG TĂNG TRƯỞNG VẪN THẤP

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam còn dựa rất nhiều vào các yếu tố tài nguyên và vốn. Trong các nhân tố tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, vốn chiếm tới 57,54% và lao động chiếm khoảng 25,5%, trong khi chỉ tiêu về năng suất lao động chỉ chiếm 16,25%. Điều này khiến chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp.

Người đứng đầu ngành KH-ĐT cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% trong năm 2014 và 6-6,2% vào năm 2015, Việt Nam vẫn phải dựa vào vốn và tài nguyên. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam không thể tăng theo cách như vậy bởi nguồn lực tài nguyên như dầu khí, than và quặng sắt sẽ cạn kiệt.

Một trong những giải pháp cho tăng trưởng kinh tế được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập đến là cải cách thể chế. Một trong những cải cách quan trọng nhất là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế và tham gia vào dịch vụ công phục vụ cho đất nước.

Việt Nam đang xây dựng một loạt khuôn khổ pháp lý như Nghị định đối tác công - tư (PPP), đồng thời xây dựng những khuôn khổ pháp lý về thể chế để huy động tất cả nguồn lực, nhân lực, vật lực, tài lực của mọi thành phần kinh tế trong nước và quốc tế tham gia đầu tư ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam cũng cần nhanh chóng tái cấu trúc lại nền kinh tế, khi có đủ nguồn lực để bổ sung cho những thiếu hụt này, Việt Nam mới có thể tăng trưởng bền vững.

KHÔNG PHÂN BIỆT GIỮA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ

3 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư FDI. Đây là một thành công lớn, không phải thời điểm nào hay quốc gia nào cũng có thể làm được. Không những số lượng các dự án tăng thêm mà tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI cũng ngày càng tăng và rất nhiều doanh nghiệp FDI đã thành công trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI được đánh giá là thành phần rất quan trọng trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như đóng góp vào gia tăng giá trị xuất khẩu để Việt Nam đạt được các chỉ số tăng trưởng. Khác với các doanh nghiệp trong nước, vốn đang gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận với vốn vay và kinh doanh kém hiệu quả, các doanh nghiệp FDI ít chịu tác động của sự bất ổn do họ có thị trường, có nguồn lực về vốn và sản xuất kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao.

Liên quan tới giải pháp giúp các doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn và đạt được những thành quả như các doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh trước mắt, Việt Nam cần có những giải pháp căn cơ và bài bản nhằm tháo gỡ tất cả vướng mắc căn bản nhất cho doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, theo ông Vinh, Nhà nước cần nhanh chóng xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp yếu kém cần phải đào thải. Đối với các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt, có điều kiện để phát triển, Nhà nước cần nhanh chóng xử lý nợ xấu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng cần nâng cao hơn nữa khả năng quản trị của doanh nghiệp bằng những khuôn khổ pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên của đất nước một cách công bằng, không phải cơ chế xin - cho như hiện nay. Mặt khác, thị trường hóa hơn nữa các hoạt động trong kinh doanh của các doanh nghiệp này, đồng thời cần có những chế tài khuyến khích như hỗ trợ, bảo hộ…

Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng chính là phải tăng năng suất lao động. Theo đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp, nhất là giai đoạn 2000-2005, trung bình là 6,7%, trong khi đó tỉ lệ này ở Trung Quốc là 9%. Ngoài việc phải tìm cách tăng năng suất lao động tổng hợp, hàm lượng KH-CN trong mỗi sản phẩm cũng cần phải tăng lên. Bộ trưởng Vinh khẳng định “KH-CN sẽ là cứu cánh cho các doanh nghiệp và là yếu tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay trong những năm tới, đặc biệt trong trung và dài hạn, Nhà nước cần khuyến khích thành phần tư nhân tham gia vào nền kinh tế. Khi đó, các doanh nghiệp tư nhân sẽ là người tham gia vào cung cấp dịch vụ công, đầu tư sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Khối doanh nghiệp này chỉ nên nắm những lĩnh vực then chốt và quan trọng của nền kinh tế như an ninh quốc phòng hoặc một số lĩnh vực nhạy cảm khác. Song song với tiến hành cổ phần hóa, Nhà nước tiếp tục tạo ra những khuôn khổ pháp lý mới để các doanh nghiệp này được tiếp cận các nguồn tài nguyên một cách bình đẳng như DNNN. “Đây chính là cải cách thể chế và cũng là những vấn đề quan trọng, thiết yếu cho nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong giai đoạn 2014 - 2015 mà cho cả trung và dài hạn. Chỉ có con đường này thì kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững”, ông Vinh nói.

(TTXVN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek