Sau gần 1 năm triển khai đề án Kiện toàn đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Sơn Hòa, trên toàn huyện đã thành lập được 2 HTX thương mại, đưa tổng số HTX hiện có lên 3 HTX. Đây mới chỉ là bước đi đầu tiên của UBND huyện trong chặng đường hướng tới hoàn thành tiêu chí 13 trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) làm đất sản xuất vụ lúa đông xuân 2013-2014 - Ảnh: M.DUYÊN
THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN
Theo số liệu báo cáo tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh; tính đến 11/2012, 13 xã của huyện miền núi Sơn Hòa đều chưa hoàn thành tiêu chí 13 (về hình thức tổ chức sản xuất quy định mỗi xã phải có tổ hợp tác (THT) hoặc HTX hoạt động hiệu quả).
Các THT, HTX trên địa bàn huyện, từ năm 2002 đến đầu năm 2012, đều trong tình trạng thành lập rồi giải thể. Đối với THT, năm 2002, toàn huyện có 10 THT; đến năm 2007, trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, huyện đã thành lập mới 18 THT, đưa tổng số THT hoạt động hiệu quả lên 28 THT, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 19 tổ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 7 tổ, xây dựng 2 tổ. Các THT này hoạt động với tổng vốn 1,5 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Nhưng đến nay, toàn huyện không còn THT nào hoạt động dù dưới bất kỳ hình thức có đăng ký hay không có đăng ký với chính quyền địa phương. Riêng với HTX, được coi là thành phần nòng cốt của kinh tế tập thể, năm 2002 có 2 HTX, đến năm 2004 giải thể 1 HTX, năm 2007 thành lập mới 4 HTX, năm 2009 tiếp tục giải thể 4 HTX và tháng 4/2012 đăng ký ra đời 2 HTX thương mại. Hiện toàn huyện chỉ có 3 HTX gồm 1 HTX nông nghiệp và 2 HTX thương mại.
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Củng Sơn (HTX Củng Sơn), HTX nông nghiệp duy nhất của huyện duy trì hoạt động từ năm 1997 đến nay, cũng chỉ hoạt động cầm chừng với 2 dịch vụ, trong đó dịch vụ khuyến nông chủ yếu “lấy thu bù chi”; còn dịch vụ thủy lợi nội đồng mang lại doanh thu chính, nhưng luôn trong tình trạng lỗ. Cụ thể, năm 2012, doanh thu từ thủy lợi nội đồng của HTX gần 1,48 tỉ đồng và tổng chi hơn 1,489 tỉ đồng, “âm” vốn hơn 12,3 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Yên, Giám đốc HTX Củng Sơn cho biết, đơn vị vận hành 3 trạm bơm điện là trạm bơm Tây Hòa, Đông Hòa và Tịnh Sơn phục vụ việc tưới tiêu 2 vụ lúa cho bà con. 3 trạm bơm này đã có cách đây gần 20 năm, đến nay máy móc cũ kỹ và hư hỏng nhiều dẫn đến thất thoát nước trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, Củng Sơn thuộc huyện miền núi, địa hình phức tạp nên máy bơm phải thiết kế bơm truyền 2 cấp (từ sông Ba lên hồ chứa, từ hồ chứa bơm tưới cho đồng ruộng), dẫn đến chi phí tiền điện cao gấp 2 lần so với các trạm bơm khu vực đồng bằng; trong khi giá điện liên tục điều chỉnh tăng, còn giá thủy lợi phí chỉ được thu theo quy định của tỉnh. Xã viên cũng nợ dây dưa kéo dài nhiều năm. HTX muốn mở dịch vụ để tạo thêm doanh thu nhưng không có vốn và không vay được vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp.
GIẢI PHÁP LÂU DÀI
Theo ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, là một huyện miền núi, điều kiện về cơ sở vật chất và con người còn hạn chế nên các HTX gặp nhiều khó khăn để có thể duy trì và hoạt động hiệu quả. Các HTX còn nặng tư duy bao cấp, trình độ quản lý yếu, không có kế hoạch kinh doanh để mở rộng dịch vụ, tạo lợi nhuận. Đồng thời, các HTX hoạt động không có vốn góp xã viên, không vay được vốn ngân hàng để tiếp tục sản xuất kinh doanh nên khi nguồn vốn hoạt động ban đầu do Nhà nước hỗ trợ “cạn”, các HTX này cũng giải thể. Riêng với HTX Củng Sơn, để củng cố đơn vị này theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-TW (khóa IX), hàng năm huyện hỗ trợ từ 100 triệu đồng đến 130 triệu đồng để HTX cùng Ban Quản lý dự án thủy lợi huyện Sơn Hòa nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất 2 vụ lúa của HTX, giúp kinh tế hộ xã viên phát triển. Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu với chính quyền địa phương thực hiện cải tổ HTX Củng Sơn theo Luật HTX 2012 sửa đổi để hướng HTX mở thêm các hoạt động dịch vụ tạo doanh thu bên cạnh việc duy trì các hoạt động công ích.
Trước thực trạng này, UBND huyện Sơn Hòa đã xây dựng Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 15/3/2013 về kiện toàn đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện đến năm 2015, trong đó tập trung vào xây dựng HTX kiểu mới. Đến 11/2013, 2 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại xã Sơn Hà chính thức đi vào hoạt động. Trong đó, HTX DV KDTH Minh Thắng hoạt động dịch vụ chăm sóc sinh vật cảnh, đào tạo nghề và quản lý chợ; HTX DV KDTH Hải Hà kinh doanh nhà trọ, mua bán vật liệu xây dựng, vải sợi, quần áo. UBND huyện đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 có 25% số xã thành lập mới HTX, THT và đi vào hoạt động. Đến năm 2020, ít nhất 60% số xã hoàn thành tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, UBND huyện Sơn Hòa thực hiện củng cố HTX cũ và thành lập các HTX mới theo Luật HTX sửa đổi 2012 là bước đi đúng, bắt kịp cùng sự phát triển chung của thành phần kinh tế tập thể của tỉnh cũng như cả nước. Các HTX ở Sơn Hòa sẽ ra đời và hoạt động gắn chặt với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm giúp giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn địa phương, thúc đẩy sản xuất, liên doanh giữa các nhóm nhỏ, làm tăng thêm tình đoàn kết trong mọi tầng lớp nhân dân; đây chính là mục tiêu lớn của một nông thôn đổi mới, mà cả tỉnh không riêng gì khối kinh tế tập thể đang hướng tới. “Để củng cố và phát triển các HTX, THT ở Sơn Hòa, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ các HTX, xóa bỏ hẳn tư tưởng ỷ lại. Trước mắt để tạo ra nền tảng ban đầu, huyện Sơn Hòa nên thực hiện luân chuyển cán bộ về quản lý các HTX mới theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt”, ông Luân nhấn mạnh.
MINH DUYÊN