Thứ Ba, 26/11/2024 07:42 SA
Sông Hinh: Phát triển vùng nguyên liệu mía, sắn theo hướng bền vững
Thứ Ba, 17/12/2013 14:00 CH

Nông dân huyện Sông Hinh đang phấn khởi vì không chỉ được các doanh nghiệp đầu tư giống mới, phân bón, kỹ thuật canh tác, mà nông sản được mùa, được giá mang lại thu nhập khá.

 

San131217.jpg

Nông dân xã Sơn Giang (Sông Hinh) thu hoạch sắn - Ảnh: A.NGỌC

NHIỀU ƯU ÐÃI CHO NÔNG DÂN

 

Nhờ đầu tư giống sắn mới cho năng suất cao, bán lại được giá nên niên vụ năm nay nhiều nông dân ở Sông Hinh rất phấn khởi. Với năng suất sắn khoảng 18 tấn/ha, giá củ tươi từ 2.100 đến 2.300 đồng/kg, nhiều nông dân có thu nhập từ 17 đến 20 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Tân ở thị trấn Hai Riêng là một ví dụ. Ông Tân cho biết: “Năm vừa rồi, tôi trồng 3ha giống sắn KM149. Giống sắn này ít sâu bệnh, năng suất cao hơn giống sắn cũ khoảng 5 tấn/ha, nên tôi thu lãi gần 60 triệu đồng. Tuy nhiên, do nhà máy thu mua sắn chậm nên gây không ít khó khăn cho nông dân chúng tôi trong việc tiêu thụ sản phẩm”.

 

Theo Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV, công ty đã đầu tư và đưa các giống sắn KM140, KM149, KM98-5 về trồng một số xã trên địa bàn huyện Sông Hinh. Bước đầu, các giống sắn này cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên nhận được sự đồng tình hưởng ứng của nông dân.

 

Đối với cây mía, huyện Sông Hinh có gần 5.000ha. Nhiều năm qua, huyện tập trung đầu tư cho loại cây công nghiệp ngắn ngày này bằng nhiều hình thức như hướng dẫn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời huyện cũng quy hoạch vùng nguyên liệu mía nhằm tránh tình trạng phát triển diện tích mía ồ ạt. Và mía đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân… Ông Nguyễn Cường ở xã Ea Ly cho biết, niên vụ 2013-2014 việc trồng mía có nhiều thuận lợi, năng suất ước đạt cao. Tuy nhiên, giá đường trên thị trường đang giảm mạnh, khiến chúng tôi không yên tâm lắm trong đầu tư vốn cho cây trồng này.

 

Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết xã thành lập ban điều hành mía đường hoạt động mấy năm nay, đồng thời phối hợp với bộ phận nông vụ của Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa sắp xếp lịch thu mua mía của bà con sao cho phù hợp, tránh tình trạng tồn đọng mía như các năm trước. Tuy nhiên, xã đang gặp khó khăn trong quản lý vùng nguyên liệu mía, do nhiều nhà máy chế biến đường ở ngoài vùng quy hoạch của nhân viên đến xã tranh mua mía… Ông Lê Tấn Đàm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, cho biết: “Vụ ép 2013-2014 của công ty bắt đầu từ ngày 8/12. Ngoài đầu tư các giống mía mới, phân bón, thuốc trừ cỏ với mức 35 triệu đồng/ha đối với trồng mới và 25 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc, công ty còn áp dụng giá mua mía nguyên liệu tại ruộng là 900.000 đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường. Với mức giá này, nông dân trồng mía sẽ có lãi”.

 

ỔN ÐỊNH VÙNG NGUYÊN LIỆU

 

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, năm 2013, huyện có gần 10.000ha sắn, tập trung ở các xã Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly và thị trấn Hai Riêng, trong đó có hơn 30% diện tích sắn cao sản. Công ty cổ phần Tinh bột sắn FOCOCEV đầu tư các giống mới, ít sâu bệnh, mang lại năng suất cao. Tuy nhiên, sắn là một loại cây làm đất nhanh bạc màu, nên huyện khuyến cáo bà con cần luân canh, xen canh sắn với các loại cây trồng khác để cải tạo đất, đồng thời có chế độ bón phân hợp lý để đất không bị bạc màu.

 

Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững, huyện Sông Hinh thành lập ban điều hành mía đường cấp huyện và xã; tổ chức đối thoại với nông dân, qua đó Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã giải quyết nhiều vướng mắc trong công tác đầu tư trồng và thu mua mía của nông dân. “Để vụ mía 2013-2014 đi vào sản xuất ổn định, nề nếp, huyện đã chỉ đạo ban điều hành mía đường các xã, thị trấn phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa quản lý và có lịch thu mua mía phù hợp, tránh trường hợp người dân chặt mía đồng loạt, gây tồn đọng. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã rà soát lại các vùng nguyên liệu mía để có chính sách hỗ trợ chi phí giao thông nội đồng; làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa về việc nâng mức cước vận chuyển mía, đảm bảo thu mua hết mía nguyên liệu cho bà con”, ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết.

 

UBND tỉnh đã thống nhất bổ sung quy hoạch diện tích mía cho Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đến năm 2015 từ 4.500ha lên 6.000ha. Từ năm 2015 đến năm 2020, tùy theo tình hình thực tế huyện có thể nâng diện tích mía lên khoảng 8.000ha. Đối với diện tích sắn của Nhà máy Tinh bột sắn FOCOCEV đến năm 2015 và từ năm 2015 đến năm 2020, huyện vẫn giữ ổn định diện tích sắn đã được quy hoạch là 6.000ha.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek