Thứ Tư, 27/11/2024 00:45 SA
Thương mại nội địa ở Phú Yên:
Yếu và thiếu tính chuyên nghiệp
Thứ Sáu, 16/03/2007 07:00 SA

Ở Phú Yên, thương mại nội địa đóng góp khoảng 13,5 - 15% trong tổng GDP. Tuy nhiên, hoạt động này của tỉnh đang phát triển thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với vị trí và vai trò trong nền kinh tế.

 

070316-thuong-mai.jpg

55% người tiêu dùng ở Phú Yên mua hàng qua các chợ – Ảnh: N.QUANG

 

CÁC KÊNH PHÂN PHỐI LẠC HẬU

 

Theo đánh giá của Sở Thương mại - Du lịch Phú Yên, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh phát triển còn nặng tính tự phát, thiếu ổn định và chưa bền vững. Hầu hết các cửa hàng đều có diện tích nhỏ, trung bình chỉ 10 - 15m2/cửa hàng với trang thiết bị thô sơ, nhân viên làm việc thiếu tính chuyên nghiệp. Hiện nay, các trung tâm thương mại của tỉnh chỉ mới bắt đầu phát triển, qui mô chưa lớn, trình độ quản lý, công nghệ, thiết bị kỹ thuật và phương thức kinh doanh chưa theo chuẩn mực quốc tế. Hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 55%) và qua hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập, cửa hàng truyền thống (khoảng 41%), qua hệ thống phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) mới chỉ chiếm khoảng 3%, 1% còn lại là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng. Trong khi đó, các hãng phân phối đa quốc gia có mạng lưới phủ khắp toàn cầu đang phát triển rất mạnh. Nếu doanh nghiệp Phú Yên không sớm củng cố, phát triển hệ thống phân phối nội địa tốt thì nguy cơ sẽ bị các tập đoàn phân phối nước ngoài thao túng thị trường nội địa là khó tránh khỏi.

 

Bên cạnh đó, cơ sở hậu cần phân phối logicstics (cảng, kho, vận chuyển…) vừa ít, vừa yếu và thiếu đồng bộ, chưa hỗ trợ và phục vụ tốt cho khâu bán buôn cũng như khâu bán lẻ. Ông Lê Thanh Vũ - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ, thương mại Trần Thế cho biết: “Ở lĩnh vực vận tải đường bộ, trong khi xu hướng của các thành phố lớn là tập trung hóa với các loại xe có tải trọng lớn 10- 14 tấn, thậm chí 32 tấn hoặc xe kéo container, thì ở Phú Yên phổ biến vẫn là các loại xe dưới 7 tấn”. Điều này sẽ tạo sức ép lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong quá trình thâm nhập thị trường”.

 

THIẾU LIÊN KẾT GIỮA CÁC DOANH NGHIỆP

 

Ông Nguyễn Tôn Pít, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nguyễn Hoàng nói: “Lực lượng thương nhân của Phú Yên đông nhưng chưa mạnh, đa số kinh doanh qui mô nhỏ và tăng trưởng chậm; thiếu những DN lớn với phương pháp quản trị tiên tiến làm “đầu tàu” tiên phong để lôi kéo, dẫn dắt và liên kết các doanh nghiệp khác lại thành một hệ thống phân phối theo hướng hiện đại”. Cũng theo ông Pít, bình quân một DN chuyên phân phối sản phẩm, hàng hoá ở Phú Yên chỉ sử dụng 40 lao động và 7 tỉ đồng tiền vốn, trong đó ngành công nghiệp có qui mô lớn nhất với 100 lao động và 15 tỉ đồng vốn, ngành thương mại có qui mô nhỏ nhất: 18 lao động và 3 tỉ đồng vốn. Nếu tính cả hộ kinh doanh cá thể, thì con số trên sẽ còn nhỏ đi rất nhiều. Do qui mô nhỏ, vốn ít nên mua bán qua nhiều tầng nấc và chồng chéo; thanh toán chậm và đại lý vẫn là phương thức kinh doanh phổ biến trong hoạt động phân phối. Các phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại như liên kết “chuỗi”, nhượng quyền thương mại; các loại hình tổ chức giao dịch thương mại hiện đại như sàn giao dịch, trung tâm đấu giá, “chợ ảo”… chỉ mới manh nha hình thành.

 

Sức ép hội nhập về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối ngày càng rõ rệt, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Sự hiện diện của các nhà phân phối chuyên nghiệp nước ngoài sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các nhà phân phối nội địa, nhất là với hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể và các DN có qui mô kinh doanh nhỏ, nguồn lực yếu. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực phát triển của cộng đồng DN Phú Yên trong thời gian tới là rất cao, rất quyết liệt.

 

CHƯA XÂY DỰNG ĐƯỢC CƠ CHẾ QUẢN LÝ CHUYÊN NGHIỆP

 

Nhiều ý kiến cho rằng yếu kém nhất trong việc tổ chức thị trường những năm qua ở Phú Yên là chưa xây dựng được cơ chế quản lý có hiệu quả và chưa thiết lập được một hệ thống phân phối có khả năng hạn chế được những biến động của thị trường trên một số mặt hàng quan trọng và đặc thù. Để khắc phục yếu kém này, theo Sở Thương mại - Du lịch Phú Yên, trong những năm đầu giai đoạn 2006-2010, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng rà soát, đánh giá lại cơ chế quản lý hiện hành đối với các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, sắt thép, phân bón, thuốc chữa bệnh... và các mặt hàng đặc thù như rượu, thuốc lá.... Cùng với việc hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng mô hình tổ chức lưu thông các mặt hàng quan trọng hoặc đặc thù thì hướng chính là thiết lập mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm trên từng công đoạn của quá trình lưu thông từ sản xuất, xuất nhập khẩu đến bán buôn và bán lẻ thông qua hệ thống quan hệ trực tuyến hoặc quan hệ đại lý mua bán.

 

Từ nay đến năm 2010 là giai đoạn có ý nghĩa đột phá, thực hiện những bước chuyển lớn, tạo tiền đề cho quá trình mở cửa sâu rộng thị trường dịch vụ phân phối (vì sau 3 năm kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, các hạn chế về sở hữu vốn đối với đối tác nước ngoài sẽ từng bước được bãi bỏ). Thương mại nội địa ngày càng gắn kết chặt chẽ với sản xuất, ngày càng mở rộng thị trường để thúc đẩy tiêu dùng phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là nâng cấp và xây mới để phát triển nhanh các loại hình thương mại hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh (bán lẻ) cùng với các kho hàng, trung tâm phân phối (bán buôn) theo qui hoạch với nhiều cấp độ, qui mô khác nhau.

 

NGUYỄN QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek