Hiện nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nguồn tài sản quý giá về dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có trách nhiệm phải trả nợ rừng, song phần lớn đều cố tình chậm thực hiện, gây khó khăn cho hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng.
Lòng hồ thủy điện Sông Hinh “ngốn” hàng trăm hec ta rừng - Ảnh: P.NAM
CHÍNH SÁCH TÍCH CỰC…
Chính sách chi trả DVMTR được triển khai theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Phú Yên cũng được thành lập theo Quyết định số 1116, ngày 30/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh với chức năng huy động, tiếp nhận và quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Qua đó, xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả DVMTR, thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ; đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch. Tại Phú Yên, chính sách này còn giúp các chủ rừng, cộng đồng dân cư có diện tích rừng cung ứng DVMTR trên các lưu vực được chi trả tiền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp thủy điện đang sử dụng nguồn tài sản quý giá về DVMTR có trách nhiệm trả nợ rừng, nhưng vẫn cố tình chậm thực hiện, gây khó khăn cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Phú Yên hoạt động.
NHƯNG CHƯA ĐƯỢC THỰC HIỆN NGHIÊM
Ông Mai Tiến Lên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên cho biết, việc thu tiền ủy thác chi trả DVMTR của tỉnh chủ yếu từ 3 nhà máy thủy điện có lưu vực từ 2 tỉnh trở lên là các Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng. Mặc dù Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (VNFF) đã ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR đối với các nhà máy trên, nhưng đến nay chỉ có Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ chuyển cho quỹ này của tỉnh hơn 1,3 tỉ đồng và Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên chuyển hơn 600 triệu đồng, dẫn đến chậm chi trả tiền cho các đối tượng được hưởng DVMTR.
Theo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, trong năm 2011 và 2012, quỹ chỉ mới thu được 1,83 tỉ đồng. Trong đó, năm 2011 và 2012 thu được 1,658 tỉ đồng, đạt 16,1%; quý I và II/2013 chỉ thu 255 triệu đồng, đạt 5,8% kế hoạch. Hai doanh nghiệp chưa nộp tiền ủy thác chi trả DVMTR là Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng (Công ty cổ phần Sông Ba) và Nhà máy Thủy điện Sông Hinh (Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh).
Để thanh toán tiền chi trả DVMTR cho các đối tượng có diện tích rừng cung cấp DVMTR của 2 nhà máy thủy điện trên, ngày 7/8/2013, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương thanh toán số tiền còn nợ DVMTR. Văn bản nêu rõ, trên cơ sở sản lượng điện thương phẩm của Nhà máy Thủy điện Sông Hinh trong các năm 2011-2012 và quý I-II/2013, tổng số tiền DVMTR mà công ty còn nợ, chưa thanh toán về VNFF là 23,121 tỉ đồng. Vì vậy VNFF chưa thể điều phối tiền ủy thác chi trả DVMTR cho tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Việc này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng ở địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh khẩn trương thanh toán số tiền còn nợ DVMTR nêu trên cho VNFF để tỉnh điều phối chi trả các tỉnh theo quy định.
Để xây dựng 3 thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng, tỉnh Phú Yên mất hơn 10.000ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp; trong đó có hơn 1.000ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và đầu nguồn. Từ thực tế mất rừng do làm thủy điện, Chính phủ đã ra Nghị định số 23/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy định rõ: “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải bảo đảm việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác...”. Theo đó, các thủy điện trên phải thực hiện trồng lại rừng; trong đó, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải trồng lại 204ha rừng và Công ty cổ phần Sông Ba trồng 175ha. Tuy nhiên, việc trồng lại rừng theo quy định chưa được các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm túc và viện lý do các địa phương chưa bố trí được quỹ đất và thiếu kinh phí trồng lại rừng; chưa có quy định doanh nghiệp trích lợi nhuận sản xuất, kinh doanh thủy điện để tham gia với địa phương trồng lại rừng bị mất do thủy điện. Trong khi đó, chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, nhưng các doanh nghiệp trên một lần nữa cố tình chây ỳ thực hiện. Điều này cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp làm thủy điện đều có “biểu hiện” chạy theo lợi nhuận, liên tục viện cớ để phó thác trách nhiệm cho xã hội về vấn đề môi trường do mình gây ra.
Hậu quả, rừng mất, chậm được phục hồi, trong khi đó các thủy điện thi nhau tích nước, dẫn đến dòng sông Ba ngày càng khô kiệt, biến dạng vào mùa nắng; nhiều đoạn chỉ còn lại những mương nước, ao tù như “dòng sông chết”. Khi mùa mưa lũ đến, các thủy điện “đua” nhau xả lũ, uy hiếp tính mạng, tài sản người dân vùng hạ du, làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ven sông.
PHƯƠNG NAM