Hàng hóa ở các chợ miền núi bày bán khá đơn giản, đậm chất quê. Chợ cần có nguồn phân phối hàng hóa thông qua sự liên kết với các đầu mối cung ứng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Quang cảnh chợ thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) - Ảnh: K.ANH
Tại một số chợ ở các huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, hoạt động thường ngày khá yên tĩnh. Chợ chủ yếu họp theo phiên, từ 3 đến 6 phiên/tháng. Chợ thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) không chỉ là nơi phục vụ người trong thôn mà còn cho cả bà con 2 thôn Thạnh Đức, Phước Nhuận nhưng vẫn không mấy sôi động. Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Phước Lộc cho biết: “Vào các ngày chợ phiên, người dân từ các thôn về đây mua sắm. Một số tiểu thương ở xã khác cũng “đèo” hàng hóa đến bán nên nguồn hàng phong phú hơn. Tuy nhiên, sau những ngày phiên, chợ ở đây bắt đầu họp lúc 12 giờ đến khoảng 16 giờ. Hàng hóa nghèo nàn, quanh quẩn cũng chỉ mớ rau, vài con cá đồng, củ, quả hay sàng thịt heo nho nhỏ của người dân trong thôn. Do đó, người bán không tập trung vào khu vực chợ mà chỉ bày biện ở một khuôn viên trống trước chợ để bán”.
Theo nhiều người dân, chợ ở khu vực miền núi phần lớn dựa vào vụ mùa, ai có gì bán nấy. Người mua cũng chỉ chọn một vài thứ quen thuộc phục vụ bữa cơm gia đình. Những ngày có đám, tiệc, các gia đình phải xuống chợ trung tâm huyện để mua.
Tại các xã Sơn Hội, Sơn Xuân (Sơn Hòa) hay các xã Sông Hinh, Sơn Giang, Ea Ly (Sông Hinh), chợ họp từ rất sớm, đến khoảng 9 giờ thì vắng khách. Còn những xã không có chợ, người dân phải đi đến nơi khác để mua hoặc mua từ các tiểu thương chợ huyện mang đến bán. Nguồn thực phẩm tươi sống như rau, quả, cá, thịt… hầu hết do tiểu thương nơi khác cung cấp. Ông Ma Trắc ở xã Cà Lúi (Sơn Hòa) cho biết: “Hàng ngày, có 3, 4 tiểu thương chở hàng từ dưới huyện lên đây bán. Những ngày trời mưa, không ai bán gì cả, chúng tôi phải xuống Sơn Hội để mua hoặc chỉ dùng những thực phẩm sẵn có trong vườn nhà”. Thực tế, nhu cầu mua hàng của người dân không nhiều, trong khi vận chuyển đường xa nên nhiều tiểu thương không muốn mang nhiều hàng hóa. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) cho biết: “Mỗi ngày, tôi phải đi hàng trăm cây số (từ xã này đến xã khác) để bán thịt heo; chỉ 50kg thịt mà bán đến trưa vẫn còn hơn nửa. Những tháng mất mùa, nhiều gia đình chỉ dùng những thứ có được trong nhà”.
Ông Ma Ủy, Chủ tịch UBND xã Cà Lúi (Sơn Hòa) cho biết: Xã chỉ có vài điểm bán tạp hóa nhỏ của hộ gia đình, không có người bán các loại thực phẩm khác. Việc họp chợ cũng không thực hiện được nên người dân khó khăn trong việc mua sắm vật dụng, thức ăn… Thông thường, cá tươi, trái cây… đều do tiểu thương ở nơi khác mang đến bán. Tuy nhiên, hàng của tiểu thương đưa đến rất hạn chế, cũng không liên tục, mà giá cũng đắt đỏ. Trong khi đó, tiểu thương ở gần chợ chưa mạnh dạn liên kết với các đầu mối phân phối ở nơi khác để vận chuyển hàng về bán cho người dân.
Theo ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương, lâu nay, tùy vào nhu cầu của từng địa phương mà người dân, tiểu thương tự thực hiện việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Theo kế hoạch, trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ làm cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, hàng hóa với tiểu thương ở các vùng nông thôn nhằm góp phần tăng nguồn nguyên liệu, thực phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa.
KHANG ANH