Có dịp đến các khu, điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh bạn thấy cảnh người xe như mắc cửi, chỉ với tư cách là khách du lịch thôi tôi cũng thấy “thèm”, huống chi là các doanh nghiệp, nhà quản lý về du lịch. Có thể hơi phiền lòng một chút vì cái sự đông đảo mang lại, nhưng bạn lại có thêm cảm giác háo hức khám phá, thưởng thức điều sắp diễn ra trước mắt. Đó là biểu hiện của sự phát triển, thịnh vượng của một khu, điểm du lịch đang được du khách quan tâm, lựa chọn.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa rồi, báo đăng thông tin bãi biển xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre - một trong các bến tiếp nhận vũ khí từ những con tàu Không số năm xưa nay đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Chỉ trong dịp Quốc khánh 2/9, theo ước tính của UBND huyện này, có hơn 30.000 du khách tìm đến nơi đây. Những dịp nghỉ cuối tuần cũng có trên dưới 2.000 khách tham quan, du lịch.
Ở một điểm di tích lịch sử mà thu hút được số lượng khách tham quan, du lịch như vậy rất đáng để suy nghĩ. Lý do điểm di tích này thu hút được khách du lịch đông là vì, ngoài tham quan di tích lịch sử, du khách còn được thoải mái mua hải sản tươi sống, hoặc sử dụng dịch vụ hàng quán gần đó mà không bị chặt chém.
Liên hệ lại với điểm Di tích quốc gia Tàu Không số - Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện của Phú Yên, dịp lễ vừa qua cũng chỉ trên 2.000 lượt khách đến. Tự nhiên thấy chạnh lòng.
Sẽ không thể nào thu hút được du khách và kéo du khách trở lại khi mà điểm đến du lịch không có hoặc quá ít các dịch vụ cần thiết như thuyết minh, mua sắm đặc sản, quà quê, ăn uống… Vài lần nói chuyện với các hướng dẫn viên thường xuyên đưa tour khách trong nước và quốc tế đến Phú Yên, các anh này có chung một phản ánh: Du khách rất thích không gian, cảnh đẹp thiên nhiên, nhưng lại rất không hài lòng vì dịch vụ gần như là số không ở các khu, điểm du lịch nổi tiếng!
Du lịch Phú Yên thời gian gần đây có nhiều phát triển mạnh mẽ. Du khách đã biết và đến nhiều hơn. Ở góc độ quản lý nhà nước, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách đầu tư và thu hút đầu tư đối với các dự án, điểm đến du lịch. Nhưng chừng đó là chưa đủ, khi ở các khu, điểm du lịch chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là người dân địa phương. Điều mà du khách cần không chỉ là tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử mà còn trải nghiệm cuộc sống của địa phương nơi đến thông qua các hoạt động sinh hoạt của cuộc sống thường nhật và các dịch vụ mua sắm.
Những người làm công tác quản lý du lịch, chính quyền địa phương hẳn cũng biết và có nhiều trăn trở về điều này, nhưng làm thế nào để các nhà đầu tư mạnh dạn mở các dịch vụ phụ cận ở các khu, điểm du lịch; người dân địa phương nâng cao nhận thức trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hình thành văn hóa ứng xử văn minh lịch sự với du khách lại là một câu chuyện dài và nhiều trở ngại.
QUỲNH MAI