Chủ Nhật, 06/10/2024 07:26 SA
Làng nghề trồng rau, hoa ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa):
Cần ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch
Thứ Bảy, 07/09/2013 08:20 SA

²Được công nhận từ tháng 5/2013 nhưng đến nay, làng nghề trồng rau, hoa thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) vẫn chưa thể phát triển ổn định. Làng nghề đang cần hỗ trợ ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch để phát triển bền vững.

 

rau-hoa-130907.jpg

CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN

 

Xã Bình Ngọc là vùng đất trồng rau, hoa đầu mối cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh; trong đó tập trung ở thôn Ngọc Phước 2 với gần 19ha. Trong số 180 hộ trồng rau, hoa của thôn, có 85 hộ gia nhập làng nghề; diện tích đất sản xuất bình quân 500m²/hộ, có hộ lên đến 2.000m². Nhờ áp dụng quy trình trồng rau theo hướng VietGAP nên sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng cao, bảo đảm an toàn khi đưa ra thị trường.

 

Tuy vậy, làng nghề còn nhiều khó khăn để phát triển theo hướng bền vững lâu dài. Bà Phạm Thị Mười, người trồng rau của làng nghề cho biết: “Ở đây, tiêu chí đặt ra đầu tiên là phải sản xuất sạch, kết hợp với công tác bảo vệ môi trường trên cây trồng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chí VietGAP như hạn chế phân bón, thuốc trừ râu, sử dụng nước sạch từ giếng khoan, nước máy để tưới, ngay cả giống cũng phải chọn giống tốt. Chính vì thế, chi phí đầu vào rất cao, trong khi giá bán của rau thành phẩm chỉ bằng hoặc nhích nhẹ so với rau trồng thông thường nên lợi nhuận thu được không nhiều. Đó là chưa kể đến sản lượng rau, hoa bị ảnh hưởng do thời tiết, khí hậu thất thường; hay tình trạng “được mùa mất giá”. Còn theo ông Huỳnh Văn Định thì phần lớn rau sau khi thu hoạch được người dân bán cho siêu thị. Nhưng nếu chỉ cung cấp cho siêu thị thì vẫn còn thừa, nhiều hộ phải bán cho tiểu thương. Một số hộ còn tìm đầu mối phân phối ở các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk… song giá cả cũng không khá hơn. Hiện, các hộ trồng rau ở thôn Ngọc Phước 2 rất cần có nơi tiêu thụ, nhất là các điểm thu mua ổn định để bảo bảm thu nhập.

 

Hầu hết các hộ dân làng nghề đều tự trồng và tự bán nên việc bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch chưa được chú trọng. Nguyên nhân là do làng nghề không có điểm tập trung, không đủ điều kiện để thực hiện công đoạn này. Ông Lê Văn Tiến, Trưởng thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: “Người trồng rau ở đây rất muốn gắn bó với nghề. Tuy nhiên, ngoài giá cả thất thường, thị trường tiêu thụ hạn chế; trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng chưa được đầu tư đúng mức nên vì chạy theo lợi nhuận mà một số hộ dân không mặn mà trong việc trồng rau an toàn. Để người trồng rau yên tâm gắn bó với nghề, bà con cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cơ quan chức năng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cho người tiêu dùng, người cung ứng rau cho thị trường là không thể thiếu. Vì muốn sản phẩm tiêu thụ tốt, hoặc quảng bá cho các tỉnh thì đầu tiên người dân Phú Yên phải tin dùng sản phẩm địa phương. Để phát triển làng nghề thì ngoài việc giải quyết những hạn chế trước mắt, địa phương cần tìm ra hướng đi mới, ứng dụng kỹ thuật chế biến sau thu hoạch”.

 

CẦN VỐN ĐẦU TƯ

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc, hiện HTX có 2 nhân viên phụ trách việc lựa chọn, cung cấp giống cho người trồng rau. Trước khi được công nhận làng nghề, HTX đã cử người đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cách thức bảo quản rau, hoa tươi, phương pháp chế biến rau, hoa tươi thành sản phẩm khô… Qua ý kiến của người dân và ban quản lý làng nghề thì việc áp dụng công nghệ mới để sơ chế sản phẩm khô là hết sức cần thiết. Bởi nếu công việc này thành công thì chắc chắn đầu ra của sản phẩm sẽ ổn định. Rau, hoa tươi không tiêu thụ kịp sẽ đưa vào chế biến thành sản phẩm rau, hoa khô, tạo ra sản phẩm đặc trưng cho địa phương, góp phần quảng bá du lịch cho tỉnh; nhưng HTX không có kinh phí để thực hiện mô hình này.

 

Bà Lý Thị Bích Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: Thời gian qua, địa phương đã cố gắng tạo điều kiện để người dân trong xã có việc làm ổn định; thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, bình quân đạt 18,5 triệu đồng/người/năm. Theo kế hoạch, 10 hộ đạt năng suất cao trong sản xuất tại làng nghề sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để phát triển nghề; trong đó, vốn hỗ trợ của địa phương là 6 triệu đồng và vốn đối ứng của hộ dân là 9 triệu đồng. Từ lâu, địa phương đã có ý tưởng triển khai sử dụng công nghệ sơ chế sản phẩm khô nhưng không đủ khả năng thực hiện. Thực tế, nếu triển khai mô hình này thì cần tăng cường đội ngũ quản lý, lao động có tay nghề kỹ thuật cao; ngoài ra, vốn ước tính phải trên 500 triệu đồng, trong khi kinh phí địa phương quá eo hẹp nên không mạnh dạn đầu tư. Về lâu dài, làng nghề muốn phát triển bền vững thì phải đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất. Do đó, địa phương, làng nghề rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ từ UBND tỉnh và các sở, ban, ngành để việc áp dụng công nghệ mới sớm được thực hiện, góp phần hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

 

KHANG ANH

Thu hoạch ớt ở làng rau Bình Ngọc - Ảnh: V.PHÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek