Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) đang được triển khai rầm rộ trên khắp các địa phương trong tỉnh với mục tiêu phấn đấu hoàn thành xây dựng khoảng 230km đường bê tông giao thông nông thôn trong năm nay. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT xung quanh vấn đề này.
Xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn ở huyện Tây Hòa - Ảnh: H.NHƯ
* Ông cho biết tình hình thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
- Bê tông hóa đường GTNT là một trong những mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, nguồn vốn thực hiện bê tông hóa đường GTNT bao gồm hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân tự nguyện đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. UBND tỉnh hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) sử dụng vào công trình và chi phí vận chuyển xi măng, ống cống đến xã; hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác quản lý 2 triệu đồng/km. Bên cạnh đó, các địa phương cũng huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân: Tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng nền, mặt đường và các vật liệu xây dựng khác; huy động phương tiện thi công, tổ chức thi công xây dựng nền đường, đổ bê tông mặt đường… Người dân trong vùng hưởng lợi huy động nhân công khai thác đá, sạn, vật liệu xây dựng khác, thi công và tự thỏa thuận hiến đất để bê tông hóa đường GTNT. Với 141km đường mà các địa phương đã đăng ký, UBND tỉnh phải cung ứng cho các địa phương 23.587 tấn xi măng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT hợp đồng mua 30.000 tấn xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành với điều kiện nợ 50% trong vòng 9 tháng. Đến nay, Sở GTVT đã giao 5 đợt với khoảng 16.000 tấn xi măng và đến nay các địa phương đã thi công xong trên 65km đường. Lúc đầu, một số địa phương còn e ngại trong việc đăng ký xây dựng đường bê tông nhưng đến nay, quá trình bê tông hóa nông thôn đang được triển khai rầm rộ trên khắp các đường làng, ngõ xóm tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi vì sự đồng lòng của nhân dân.
* Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn ở Phú Yên? Những địa phương nào đi đầu trong phong trào này?
- Thuận lợi lớn nhất trong quá trình thực hiện bê tông hóa đường GTNT ở Phú Yên, đó chính là sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh tạo mọi điều kiện để thực hiện đề án. Mặt khác, chúng ta có được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Đã có rất nhiều tấm gương bà con nông dân sẵn sàng hiến đất làm đường, bỏ công sức để thi công, góp tiền xây dựng đường. Lúc đầu tuy một số bà con còn e dè nhưng càng về sau, người dân càng hiểu rõ hơn mục đích cũng như những lợi ích mà các tuyến đường bê tông mang lại. Còn về khó khăn, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với công tác bê tông hóa đường GTNT đó là trên địa bàn tỉnh đồng loạt thực hiện nhiều công trình xây dựng nên xảy ra tình trạng thiếu đá phục vụ việc thi công đổ bê tông đường.
Tất cả các địa phương hiện đang nỗ lực hết mình để cố gắng hoàn thành mục tiêu xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn như đã đăng ký và đăng ký thêm. Đi đầu trong phong trào này là huyện Tây Hòa. Cho đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 200km đường bê tông nông thôn, trong đó huyện Tây Hòa đã đăng ký khoảng 50km với 147 tuyến đường. Có thể nói đây là địa phương khởi màn cho phong trào bê tông hóa đường GTNT. Từ những tuyến đường bê tông ở huyện này, nhiều địa phương khác đã mạnh dạn triển khai thực hiện.
* Trong thời gian tới, chúng ta sẽ làm những gì để hoàn thành mục tiêu đề ra thưa ông?
- Theo đánh giá của chúng tôi, nhu cầu bê tông hóa đường GTNT trong tỉnh từ nay đến năm 2015 khoảng 1.280km. Tuy nhiên, con số này có thể tăng lên vì hiện đã có nhiều địa phương xin đăng ký thêm tuyến đường cần bê tông hóa. Bên cạnh đó, theo thông báo mới đây của UBND tỉnh đã cho phép các huyện, thị xã, thành phố đăng ký bổ sung các tuyến đường nằm trong phạm vi các phường, thị trấn thực hiện theo đề án Bê tông hóa đường GTNT tỉnh Phú Yên giai đoạn 2013-2015, với điều kiện các tuyến đường do các phường, thị trấn đăng ký không nằm trong quy hoạch đô thị và có tính chất tương tự đường GTNT (có bề rộng mặt đường từ 2,5 đến 3,5m). Đến thời điểm này, các địa phương đã đăng ký thêm 64km đường, trong đó TP Tuy Hòa đăng ký 10km. Như vậy, tổng số km đường bê tông nông thôn phải thực hiện trong năm nay khoảng trên 200km với khối lượng xi măng khoảng 35.000 tấn.
Vào ngày 5/9 tới, chúng tôi tiếp tục bàn giao thêm 6.000 tấn xi măng của Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cho các địa phương. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung ứng xi măng, UBND tỉnh đã cho phép Sở GTVT ký hợp đồng mua xi măng của 2 đơn vị khác là Công ty cổ phần Xi măng COSEVCO Phú Yên và Công ty cổ phần Thương mại Ngọc Khánh (TP Tuy Hòa) với tổng khối lượng 8.000 tấn. Đối với vật liệu xây dựng (đá, sỏi), Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN-MT, Sở GTVT kiểm tra nắm lại năng lực sản xuất đá xây dựng để tham mưu cho UBND tỉnh cho phép gia hạn một số mỏ đá và mở thêm một số mỏ đá mới sản xuất đáp ứng nhu cầu về đá cho việc thực hiện bê tông xi măng đường giao thông nông thôn; phối hợp với Sở Tài chính và Sở Công Thương kiểm tra về giá bán đá xây dựng. Với những cố gắng nói trên, tiến độ thực hiện khoảng 200km đường bê tông nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ được hoàn thành đúng mục tiêu đề ra.
* Xin cảm ơn ông!
HỒ NHƯ (thực hiện)