Lần đầu tiên ở tỉnh ta, đà điểu được đưa vào nuôi thực nghiệm tại Cơ sở giáo dục A1. Mô hình này còn đợi kết luận của các ngành chức năng nhưng bước đầu cho thấy đây là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, hứa hẹn mở ra hướng phát triển cho ngành chăn nuôi.
Đà điểu nuôi tại Cơ sở giáo dục A1 - Ảnh:N.T
Khu vực nuôi đà điểu của Cơ sở giáo dục A1 nằm trong vườn trồng cây hồ tiêu được khoanh lại bằng lưới B40 cao phả đầu trên diện tích khoảng 2.000m2. Mặt đất trống được phủ một lớp cát sạch làm sân cho đà điểu chạy nhảy tự do. Khi chúng tôi đến thăm, cơ sở đang nuôi 50 con có trọng lượng từ 60 – 80kg/con. Khi người chăn nuôi bước vào, chúng rất dạn dĩ quây quanh, vươn chiếc cổ dài áp vào người trông rất hiền lành, thân thiện. Anh Tám Đức, giám đốc Cơ sở giáo dục A1 cho biết, con giống được lấy ở cơ sở nuôi tại Ninh Hòa của Tổng Công ty Khánh Việt (Khánh Hòa), cách đây hơn 4 tháng, lúc đó con giống chỉ nặng 20kg. Chúng tăng trọng rất nhanh, tính ra bình quân 15kg/tháng. Nếu theo đà này thì sau Tết Nguyên đán (khoảng 7 tháng nuôi), đà điểu sẽ được xuất bán với trọng lượng có thể lên trên 100kg/con.
Đà Điểu có nguồn gốc từ Châu Phi đã được nuôi thành công ở nhiều nơi trong nước nhưng đây là cơ sở nuôi đà điểu đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta có sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh. Theo dự án nuôi thực nghiệm đà điểu này, Cơ sở giáo dục A1 được Tổng Công ty Khánh Việt cung cấp con giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi. Thực tế tại cơ sở nuôi đà điểu ở đây cho thấy cũng đơn giản. Ngoài lưới sắt bao quanh bảo vệ, không cần phải làm chuồng trại có mái che như các vật nuôi khác. Trong đó dành một góc làm máng đựng thức ăn và nước uống có mái che. Thức ăn cũng đơn giản, gồm cỏ tây hoặc rau muống xắt nhỏ trộn với cám gạo và bột bắp. Anh Tám Đức cho biết, lượng thức ăn cũng không nhiều, tính ra nuôi 4 con đà điểu bằng một con bò cùng trọng lượng. Điều thuận lợi nữa, thức ăn có sẵn tại chỗ và cũng không tốn công chăm sóc, dọn vệ sinh chuồng trại. Từ khi nuôi đến nay, chúng cũng không xuất hiện dịch bệnh gì. Từ đó, anh đưa ra nhận xét: Nuôi đà điểu, đầu tư ban đầu chỉ nặng về con giống (trên 2 triệu đồng/con), còn chuồng trại ít tốn kém, thức ăn đơn giản dễ tìm, không có bệnh tật, ít nhọc công chăm sóc, lại lớn nhanh, cho thấy đà điểu rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của tỉnh ta.
Trao đổi với chúng tôi về mô hình nuôi đà điểu của Cơ sở giáo dục A1, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, Nguyễn Văn Dũng cũng bày tỏ lạc quan về đối tượng nuôi mới này. Anh bảo: Đến giờ này có thể khẳng định mô hình nuôi đà điểu đã thành công 50%. Tuy dự án chưa nghiệm thu để đưa ra kết luận đầy đủ, nhưng bước đầu cho thấy đà điểu phát triển nhanh tỏ ra phù hợp với môi trường tự nhiên của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển việc nuôi đà điểu trên địa bàn tỉnh. Còn về hiệu quả kinh tế? Anh Dũng cho biết, thịt đà điểu rất ngon, không có chleterol nên rất được ưa chuộng, là món ăn đặc sản của các nhà hàng, giá bán từ 130.000 – 150.000đồng/kg. Cũng có thể nuôi đà điểu lấy trứng cũng rất có giá trị. Nói chung, nếu giá này được ổn định thì đà điểu có hiệu quả hơn hẳn các vật nuôi khác. Tuy nhiên còn phải đợi kết quả phân tích các thông số thực nghiệm của dự án mới trả lời cụ thể về hiệu quả kinh tế.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện có một số đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh đang lập dự án nuôi đà điểu, điều này cho thấy vật nuôi có nguồn gốc từ châu Phi này đang được chú ý và khả năng sẽ là đối tượng nuôi có triển vọng phát triển mạnh ở tỉnh ta trong thời gian tới. Tuy nhiên khi bàn đến vấn đề có ý nghĩa quyết định là khâu tiêu thụ sản phẩm thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Bởi vì với giá như trên thì thị trường Phú Yên khó có thể tiêu thụ số lượng lớn. Hy vọng, nếu giải quyết được “đầu ra” với giá cả ổn định thì đà điểu sẽ là vật nuôi mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu vật nuôi đối với ngành chăn nuôi Phú Yên.
NGUYÊN TRƯỜNG