Nhằm giáo dục truyền thống, phục vụ công tác nghiên cứu tại địa phương và trong quân đội, đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Phú Yên đã thực hiện đề tài Lịch sử lực lượng công binh tỉnh Phú Yên (1945-2010). Năm 2011, công trình này được xuất bản thành sách, góp phần tái hiện một phần lịch sử Phú Yên từ năm 1945 đến 2010; đồng thời, giúp người dân địa phương thêm hiểu và tự hào về lực lượng công binh tỉnh nhà.
Lực lượng công binh đang xây dựng công trình - Ảnh: CTV
TỪ LỰC LƯỢNG CÔNG BINH NHÂN DÂN
Vài năm gần đây, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học và thống nhất nhiều sự kiện lịch sử. Kế thừa những thành quả đã đạt được, đại tá Nguyễn Đình Triết, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Phú Yên tiến hành nghiên cứu, phục dựng lại lịch sử hoạt động của lực lượng công binh tỉnh trong 65 năm (1946-2010). Cuốn sách là một tập tài liệu tỉ mỉ về những hoạt động của công binh nhân dân tỉnh Phú Yên trong những năm từ 1945 đến 1962, sự ra đời và phát triển của các đơn vị công binh lực lượng vũ trang từ năm 1962 đến năm 1975, hoạt động của lực lượng công binh tỉnh Phú Yên những năm đầu sau giải phóng đến năm 2010; đồng thời rút ra ý nghĩa và bài học kinh nghiệm qua 65 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng công binh Phú Yên. Đại tá Nguyễn Đình Triết, chủ nhiệm đề tài, chia sẻ: “Để thực hiện đề tài, tôi cùng nhóm cộng tác phải thực hiện một khối lượng lớn công việc: tìm gặp các nhân chứng lịch sử, xuống thực địa, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia, đưa ra dự thảo để tiếp tục lấy ý kiến lần nữa, cuối cùng mới xuất bản thành sách. Vì vậy, nội dung trong sách tương đối hoàn chỉnh”.
Nội dung cuốn sách ghi rõ: Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Phú Yên chưa có đơn vị công binh chuyên trách nhưng hoạt động tác chiến đặc trưng của công binh lại xuất hiện rất sớm và nhanh chóng phát triển rộng khắp. Từ năm 1946 đến năm 1954, các lực lượng công binh nhân dân Phú Yên đã đánh địch hàng trăm trận ở đèo Cả, La Hai, Suối Cối... và đỉnh cao là đánh bại cuộc hành quân Át Lăng của thực dân Pháp. Chiến công này góp phần vào thắng lợi của quân dân cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, buộc thực dân Pháp kết thúc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Ngày 8/2/1962, đơn vị công binh lực lượng vũ trang đầu tiên ở Phú Yên được thành lập tại khu rừng thuộc làng Tân Vinh, huyện Sơn Hòa (ven sông Cà Lúi). Ban đầu, tổ chức này gồm 22 đồng chí, do ông Lê Xưng làm đội trưởng, ông Nguyễn Ngọc Anh làm đội phó. Đến tháng 4/1963, 6 đội công binh các huyện được thành lập và thu hút thêm nhiều người tham gia. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng công binh tỉnh Phú Yên đánh phá giao thông, tập kích đánh bại các cuộc hành quân, chiến dịch càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích trên địa bàn. Với phương châm “lấy ít thắng nhiều”, “lấy thô sơ chống hiện đại”, “đánh địch bằng mọi lực lượng”, lực lượng công binh Phú Yên đã lập nên nhiều chiến công lừng lẫy. Sau ngày giải phóng, công binh Phú Yên tiến hành tháo gỡ bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh, giải phóng đất đai để nhân dân ổn định sản xuất, ổn định đời sống đi vào phát triển kinh tế - xã hội...
ĐẾN NHỮNG SÁNG KIẾN ĐỘC ĐÁO
Để chung tay cùng với cả nước đấu tranh chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lực lượng công binh Phú Yên đã đưa ra nhiều cách đánh sáng tạo, độc đáo để tiêu diệt sinh lực địch. Những cách đánh hay là một phần nội dung cuốn sách Lịch sử lực lượng công binh tỉnh Phú Yên, trong đó phải kể đến “đốt cầu bê tông”, “chống bom bằng rơm”...
Những năm kháng chiến chống Pháp, để phá các cầu trên địa bàn huyện Tuy Hòa, do không có thuốc nổ, quân dân Phú Yên có sáng kiến chất củi đốt liên tục, sau đó dùng nước lạnh dội lên mặt cầu. Do nhiệt độ thay đổi đột ngột nên mặt cầu bê tông bị “giòn hóa”, công binh nhân dân dùng búa tạ đập vỡ bê tông dễ dàng hơn. Đây là phương pháp phá cầu rất hiệu quả của lực lượng công binh nhân dân trong thời gian đầu kháng chiến chống Pháp. Còn cách đánh “chống bom bằng rơm” tiêu biểu cho “lấy thô sơ chống hiện đại”, được công binh Phú Yên sử dụng khi địch tăng cường đánh phá hệ thống thủy nông Đồng Cam, nhằm phá hoại sản xuất của ta. Để bảo vệ cầu máng Đồng Bò, Suối Cái (thuộc hệ thống thủy nông Đồng Cam), lực lượng dân quân được huy động dùng rơm, cây bổi để gia cố chống máy bay địch ném bom. Biện pháp đơn giản này đã giúp bảo vệ cầu, bảo đảm dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, lực lượng công binh còn có nhiều sáng tạo khác như: làm cầu phao bằng thuyền, mê tre và người để bộ đội vượt sông; đánh tàu lửa bằng dây rừng...
Những sáng kiến trên tập trung trong tác phẩm Lịch sử lực lượng công binh tỉnh Phú Yên đã phản ảnh một phần sự sáng tạo của lực lượng công binh Phú Yên trong 65 năm hoạt động, giúp người dân thêm hiểu và tự hào về truyền thống sáng tạo của quân dân Phú Yên trong những năm tháng đấu tranh gian khổ. Ngày nay, những sáng kiến đó đã trở thành một phần tiềm lực của quân dân Phú Yên, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại tá, tiến sĩ Vũ Tang Bồng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - thành viên Hội đồng thẩm định đề tài, cho biết: “Phú Yên là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử lực lượng công binh địa phương. Với một đề tài cấp tỉnh đội, tôi nghĩ làm được như thế là đã rất tốt. Nội dung đề tài được xây dựng công phu, phong phú và đã làm rõ được vị trí, vai trò của lực lượng công binh nói chung, công binh nhân dân tỉnh Phú Yên nói riêng trong các thời kỳ lịch sử tỉnh nhà”.
THÁI HÀ