Đều đặn mỗi học kỳ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nhận một phiếu nhận xét giảng viên cho mỗi môn học. Đây được xem là một biện pháp tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học; tạo điều kiện để sinh viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thể hiện chính kiến về hoạt động của giảng viên.
Giờ học của sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: T.HẰNG
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, sinh viên được phép “chấm điểm” giảng viên những nội dung về hoạt động giảng dạy như: Phương pháp, tài liệu giảng dạy; trách nhiệm, sự nhiệt tình; khả năng khuyến khích sáng tạo; sự công bằng trong đánh giá; năng lực tổ chức, hướng dẫn và tư vấn cho người học; tác phong sư phạm và các vấn đề khác. Theo đó, sinh viên được nêu ý kiến về người dạy trong hoạt động giảng dạy và “chấm điểm” theo 4 mức độ: Không đồng ý, phân vân, đồng ý, hoàn toàn đồng ý. Từ những đánh giá này, các giảng viên sẽ điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình; các khoa, bộ môn nghiên cứu để phân công giảng dạy cho phù hợp; các cơ sở giáo dục tham khảo để xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên... Các trường phải công khai các yêu cầu đối với hoạt động của giảng viên theo các nội dung trên để người học có cơ sở khi cung cấp thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của giáo viên.
Triển khai thực hiện hoạt động sinh viên “chấm điểm” giảng viên từ nhiều năm qua nên hầu hết sinh viên của Trường đại học Xây dựng Miền Trung rất hào hứng khi nói về việc làm này. Sinh viên Vân Bảo Ngọc, Khoa Kiến trúc của trường này cho biết: “Kiến trúc là ngành học mới nên trong quá trình giảng dạy và học tập, giữa thầy và trò còn nhiều điều chưa hiểu nhau. Thông qua việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, sinh viên tụi em mạnh dạn đề xuất, góp ý không những đối với giảng viên mà cả ban giám hiệu nhà trường để góp phần đưa hoạt động dạy - học được tốt hơn”. Không chỉ triển khai đều đặn việc sinh viên “chấm điểm” giảng viên, lãnh đạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung còn tổ chức đối thoại với học sinh, sinh viên. “Căn cứ vào những phản hồi này, nhà trường sẽ nắm được phần nào công tác nghiên cứu và giảng dạy của các giáo viên. Và hơn hết, nó tạo cơ hội cạnh tranh lành mạnh giữa các giảng viên”, tiến sĩ Trần Xuân Thực, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung nói.
Giờ học của sinh viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG
Hiện các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Phú Yên đã triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Hầu hết các phiếu hỏi được thiết kế với các câu hỏi “xoáy” vào phương pháp giảng dạy của giảng viên và sự quan tâm của giảng viên tới lớp học. Sinh viên Phạm Thị Bích Trâm, Trường đại học Phú Yên rất hào hứng khi nói về quyền lợi này. Theo Bích Trâm, nhiều môn học, giảng viên có kiến thức rất tốt nhưng khi truyền đạt lại đơn điệu. Việc nhà trường cho sinh viên được góp ý thông qua hình thức chấm điểm này vừa dân chủ lại dễ dàng hơn là nói trực tiếp với các thầy cô giáo. Còn sinh viên Phạm Văn Khải, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa thổ lộ: “Việc chấm điểm giảng viên mang lại hiệu quả thiết thực, vì sinh viên sẽ thoải mái bày tỏ quan điểm của mình về môn học mà không sợ bị thầy, cô “điểm mặt” bởi không phải ghi rõ họ tên. Đây cũng là biện pháp tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học; tạo điều kiện để sinh viên được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thể hiện chính kiến về hoạt động của giảng viên. Cách làm này cũng yêu cầu các giảng viên phải luôn nỗ lực cải tiến chất lượng giảng dạy và nâng cao tinh thần trách nhiệm để giảng dạy tốt hơn”.
Từ xưa đến nay, học trò đi học chỉ được thầy cô giáo cho điểm và nhận xét. Nếu có những hành động tương tự ở chiều ngược lại cũng chỉ trong phạm vi trao đổi ngoài lề. Vậy nên khi được “đặc quyền” đánh giá giảng viên, nhiều sinh viên công khai những nhận xét chưa hài lòng về trình độ, về phương pháp giảng dạy của giảng viên. Và đa số các thầy cô giáo đều ủng hộ hình thức này. Điều mà nhiều giảng viên mong muốn nhất đó là việc đánh giá phải đảm bảo truyền thống tôn sư trọng đạo, nội dung, công cụ đánh giá phản ánh đầy đủ, khách quan về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Các thầy cô giáo luôn tôn trọng, có tinh thần cầu thị trước thông tin phản hồi từ phía người học về hoạt động giảng dạy của bản thân.
THÚY HẰNG