Thứ Sáu, 11/10/2024 13:25 CH
Để học viên mặn mà trong học nghề:
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Chủ Nhật, 11/11/2012 08:48 SA

Hiện nay, hệ đào tạo nghề của các trường trong tỉnh đang đứng trước thực trạng thiếu hụt một lượng lớn học viên. Nguyên nhân là do tâm lý phụ huynh cũng như học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn rẽ sang học các hệ đào tạo sơ - trung cấp, cao đẳng nghề. Do đó, việc hướng nghiệp trong học nghề phổ thông gặp nhiều khó khăn, nên phân luồng trường nghề chưa mang lại hiệu quả cao.

day-nghe-1121111.jpg

Học sinh học nghề sửa chữa ô tô tại Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - Ảnh: H.MY

CÁI KHÓ Ở SUY NGHĨ

Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2012-2013, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa) có hơn 50 học sinh lớp 9 dự thi. Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, cũng như thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, trước kỳ thi, nhà trường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh đăng ký dự thi theo năng lực, sở thích của mình. Nhưng đa số học sinh dù học lực yếu hay trung bình cũng nhất quyết đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập, chứ không chịu rẽ sang học ở các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp để phù hợp với sức học của mình. Kết quả kỳ thi này, trường có 79% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, số còn lại các em đăng ký học lớp 10 ở các trường THPT tư thục hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi Quách Đình Công cho biết: “Từ năm học 2005-2006, môn học Hướng nghiệp nghề được Bộ GD-ĐT chính thức đưa vào giảng dạy ở khối lớp 9 bậc THCS. Các chuyên đề học tập đã giúp học sinh biết những quy tắc chọn nghề, đánh giá đúng tố chất năng lực của bản thân, chỉ cho các em thấy những yêu cầu, đòi hỏi về chuyên môn của các nhà tuyển dụng và các ngành nghề đang thiếu lao động. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của các gia đình đã khá hơn, các bậc phụ huynh luôn muốn đầu tư tốt hơn cho con mình nên khi các em thi rớt hệ lớp 10 THPT công lập, nhiều gia đình dốc lực cho các em học trường tư thục mà không theo hướng học nghề. Dẫu biết điều này gây khó khăn trong việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh nhưng nhà trường chỉ có vai trò phân tích, định hướng cho học sinh, còn việc chọn nghề, chọn ngành vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự quyết định của phụ huynh và học sinh”.

Ở bậc THPT, sau khi tốt nghiệp, nhiều học sinh cũng muốn dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp mà không chọn học ở các trường đào tạo nghề. Em Hồ Văn Thái, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) cho biết: “Mặc dù học lực em chỉ trung bình, nhưng chưa bao giờ em nghĩ sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ rẽ sang học nghề. Bởi lẽ hiện nay, chúng em có rất nhiều sự lựa chọn về ngành học và trường học, nhiều nghề mới, thu hút như marketing, PR…”. Chị Nguyễn Trần Tường Lê ở xã Hòa Vinh (Đông Hòa) chia sẻ: “Nhiều người học đại học, cao đẳng chính quy ra trường còn chưa xin được việc làm thì học trường nghề dễ dàng gì kiếm được việc. Với lại bây giờ, phụ huynh nào cũng muốn hướng cho con mình học những trường “xịn”. Nhiều người bảo học nghề chỉ ra làm công nhân, thu nhập thấp, nên khi con em họ không trúng tuyển thì đầu tư cho học ở một trường tư thục, tuy có tốn kém nhưng họ sẵn sàng vay mượn”.

CẦN SỰ CHUNG TAY TỪ NHIỀU PHÍA

Xu hướng muốn làm thầy chứ không chịu làm thợ của học sinh và phụ huynh như hiện nay đã làm cho nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh lâm vào tình trạng khan hiếm học viên, một số ngành học đã phải đóng cửa. Ví dụ như Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, Ban giám hiệu nhà trường cho biết, kết thúc đợt tuyển sinh năm học 2012-2013, trường chỉ tuyển được 243 chỉ tiêu, nâng tổng số học sinh, sinh viên đang theo học tại trường lên 764 em với 22 nghề ở 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề. So với năm học 2011-2012, số học sinh, sinh viên năm học này giảm đến 1/4. Nhà trường đang tiếp tục tuyển sinh các hệ đào tạo cho đến hết tháng 12/2012 để cân đối nguồn thu bảo đảm trả lương cho giáo viên. Thạc sĩ Trần Ngọc Hiệp, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tâm sự: “Điều các đơn vị tuyển dụng cũng như phụ huynh, học sinh, sinh viên lo lắng là chất lượng đào tạo và “đầu ra”. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tăng cường đổi mới công tác quản lý đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, tăng cường xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập sản xuất và tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, thực hiện phương châm đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, gắn với giải quyết việc làm”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho con em mình chọn lựa, theo học các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế. Thêm vào đó, các trường nghề phải cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục và nhất là giúp cho phụ huynh, học sinh thấy được triển vọng nghề nghiệp, tức là có “đầu ra”. Cùng với sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về học nghề để tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí.

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek