Chủ Nhật, 28/04/2024 18:38 CH
Lợi bất cập hại khi xét tuyển bằng tổ hợp lạ
Thứ Năm, 24/06/2021 11:33 SA

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh Phú Yên tại chương trình Đưa trường học đến thí sinh năm 2021. Ảnh: THÚY HẰNG

Bên cạnh tổ hợp xét tuyển truyền thống A00, B00, C00, D01..., năm nay, trong đề án tuyển sinh của một số trường đại học lại xuất hiện những tổ hợp không liên quan tên ngành đào tạo, chương trình đào tạo. Do đó, thí sinh cần cân nhắc kỹ khi tham gia xét tuyển.

 

Tổ hợp xét tuyển “tréo ngoe”

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, những năm qua được giao quyền tự chủ tuyển sinh, các trường đại học sử dụng hơn 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Những ngày qua, nhiều người bất ngờ khi có không ít trường đại học “thiết kế” những tổ hợp xét tuyển không liên quan đến ngành đào tạo, chương trình đào tạo làm nhiều phụ huynh, thí sinh hoang mang. Chẳng hạn Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế), ngành sư phạm Vật lý xét tuyển tổ hợp D07 (Toán - Hóa - Tiếng Anh). Trường đại học Nông lâm (Đại học Huế), hàng loạt ngành như quản lý đất đai, kinh doanh và khởi nghiệp nông thôn, phát triển nông thôn, khuyến nông, bất động sản tuyển sinh bằng tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa). Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng xét tuyển tổ hợp này cho các ngành quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, Hàn Quốc học, Nhật Bản học. Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển tổ hợp C00 cho hàng loạt ngành kinh tế…

 

Việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển “tréo ngoe” như vậy đã khiến thí sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục lo lắng. Nhiều người cho rằng xét tuyển đầu vào như thế rất khó để sinh viên có thể học tốt và hoàn thành chuẩn đầu ra. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển gồm: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành; đối với các trường, ngành có thi năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi/môn thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển. Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.

 

Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Như vậy, về luật, các trường không sai khi sử dụng tổ hợp khối C để tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế hay khối A vào Văn học. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.

 

Chọn tổ hợp có ưu thế để xét tuyển

 

Hiện các trường đại học, cao đẳng đã thiết kế rất nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Trước sự đa dạng này, thí sinh cần có định hướng cụ thể trong quá trình học và chọn tổ hợp xét tuyển. Theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), việc các trường sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển là để tạo điều kiện cho thí sinh chọn tổ hợp có ưu thế nhất tham gia xét tuyển. Tuy nhiên, nếu các trường thu hút thí sinh bằng các tổ hợp lạ, các môn xét tuyển không tương ứng với chuyên ngành đào tạo thì thí sinh phải cẩn thận lựa chọn, bởi sinh viên các ngành thuộc nhóm kỹ thuật công nghệ nếu yếu các môn tự nhiên sẽ khó học tốt được; còn các ngành có yếu tố năng khiếu mà không có môn năng khiếu thì lại càng bất ổn. Vì vậy, TS Lê Thị Thanh Mai cho rằng, việc xét tuyển các khối phù hợp là hết sức quan trọng để hạn chế thí sinh trúng tuyển vào các ngành không đúng khả năng.

 

Những năm gần đây, sự tranh giành thí sinh giữa các trường đại học, nhất là trường ở tốp dưới ngày càng gay gắt hơn. Nhiều trường đại học tuyển sinh các ngành giống nhau nhưng tổ hợp xét tuyển các môn khác nhau cho thấy sự lộn xộn, mất kiểm soát, làm nhiễu sự lựa chọn của thí sinh. Hiện chưa có quy định hay nghiên cứu chỉ ra tổ hợp xét tuyển nào là phù hợp với từng ngành, song nếu các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển tràn lan chỉ để “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót” thì rõ ràng không chỉkhó đảm bảo được lợi ích của thí sinh mà bản thân các trường cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ. “Các thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm nay cần hết sức thận trọng, tìm hiểu thật kỹ lưỡng về ngành học có phù hợp với năng lực, sở trường của mình hay không trước khi quyết định theo học”, TS Lê Thị Thanh Mai nhắn nhủ.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek