Bằng niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật, thầy giáo Nguyễn Thanh Tước, Võ Quốc Dũng (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) đã nghiên cứu, chế tạo nhiều thiết bị, mô hình dạy học hữu ích. Trong đó, “Mô hình dạy học điện nhà thông minh” đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VIII (2018-2019).
Theo thầy Nguyễn Thanh Tước, hiện nay, ở các tòa nhà, chung cư, khách sạn tại các đô thị, hệ thống điều khiển các thiết bị điện trong nhà, sân vườn ứng dụng công nghệ IoT ngày càng được sử dụng rộng rãi. Nhờ IoT phát triển nhanh cộng với các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong các thiết bị điện khiến cho việc điều khiển đèn, quạt, máy điều hòa, máy nước nóng, giám sát an toàn, báo cháy, chống trộm… trong nhà trở nên dễ dàng, thông minh hơn. Tuy nhiên, lý thuyết vận dụng cũng như các thiết bị này chưa được cập nhật vào chương trình dạy học ở các trường nghề. Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã thiết kế và đưa thiết bị vào giảng dạy trong nhà trường bằng việc mô hình hóa sản phẩm thành “Mô hình dạy học điện nhà thông minh” để sinh viên được tiếp cận những kiến thức, công nghệ mới; góp phần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Mô hình dạy học điện nhà thông minh bao gồm hệ thống điều khiển thiết bị từ xa qua mạng, trong đó mọi thiết bị điện và thiết bị cảm biến được học lệnh hoặc kết nối với trung tâm điều khiển, người dùng có thể dễ dàng điều khiển các thiết bị từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại có kết nối wifi. Với thiết bị này, kể cả khi không có mặt tại nhà, chủ nhà vẫn có thể quan sát toàn diện và trực quan trong quá trình các thiết bị hoạt động đồng thời báo động về điện thoại khi có sự cố xảy ra.
So với các thiết bị điện truyền thống, hệ thống này an toàn hơn, giúp người sử dụng cách ly hoàn toàn việc tiếp xúc với công tắc hay ổ cắm truyền bằng cách thay thế bằng bảng điều khiển cảm ứng hoặc điều khiển từ xa qua điện thoại. Nhờ sử dụng điều khiển không dây nên hệ thống có thể khắc phục được nhược điểm của hệ thống có dây, đồng thời có thể nâng cấp dễ dàng và thuận lợi bằng điều khiển đa nhiệm có chức năng tối ưu và thông minh, đáp ứng nhiều ngữ cảnh trong thực tế mà người dùng đặt ra. Ngoài ra, hệ thống có ưu điểm là được cấu tạo từ nhiều modul nhỏ, gọn nên dễ dàng lắp đặt, thay thế, sửa chữa, linh hoạt di chuyển khi dạy lý thuyết, thực hành tại trường hoặc dạy ở các trung tâm, các lớp ngắn hạn… Mô hình này cũng cho phép triển khai nhiều bài tập ứng dụng cho một hệ thống điều khiển nhà thông minh, giúp học sinh và giáo viên thỏa sức sáng tạo để tìm ra giải pháp tối ưu cho thiết bị điện nhà qua đó kích thích trí tò mò, đam mê sáng tạo của người học.
Theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, đẩy mạnh hoạt động lao động sáng tạo là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Những năm qua, nhờ không ngừng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, các giáo viên của nhà trường đã tạo được những mô hình hay qua đó giúp bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn, sinh động, học trò tiếp thu hiệu quả hơn. “Mô hình dạy học điện nhà thông minh” là một ví dụ sinh động.
AN NAM