Thứ Năm, 10/10/2024 18:27 CH
Để “hút” giáo viên, học sinh khi dạy và học trực tuyến
Thứ Hai, 17/08/2020 07:00 SA

Giáo viên Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Tuy An) dạy học trực tuyến khi học sinh nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19 trong học kỳ II năm học 2019-2020. Ảnh: THÚY HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư ban hành Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên từ nay cho đến hết ngày 11/10. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh việc dạy học trực tuyến càng trở nên quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay.

 

Dạy học trực tuyến phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng

 

Để dạy học trực tuyến hấp dẫn học sinh và có sự đồng bộ trong triển khai, các trường thẳng thắn góp ý là ngành Giáo dục cần có sự rà soát, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực dạy học trực tuyến của giáo viên; xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng, lựa chọn và thẩm định học liệu; thông báo quy trình dạy học trực tuyến, kế hoạch tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh và gia đình học sinh...

Theo dự thảo thông tư, việc dạy học trực tuyến phải đảm bảo thực hiện đúng, có chất lượng, hiệu quả, nội dung dạy học theo quy định; phù hợp với kỹ năng của giáo viên, khả năng lĩnh hội và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh; không tạo ra áp lực đối với giáo viên và học sinh. Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh.

 

Có 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến. Thứ nhất, dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp. Thứ hai, dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường. Thứ ba, dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

 

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ những quy định về việc đánh giá và xét, công nhận kết quả học tập trực tuyến như: đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh được thực hiện tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định; đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.

 

Theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh. Đặc biệt là khi các em không thể đến được trường vì những lý do khách quan. Phương thức học tập này sẽ bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học. Đồng thời khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh, từ đó tạo cơ hội cho thầy và trò được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập.

 

Học sinh chỉ có thể học trực tuyến khi gia đình có trang bị máy vi tính hay điện thoại thông minh. Trong ảnh: Một học sinh lớp 9 đang học online. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Hiệu quả nhưng nơi làm được nơi không

 

Thời gian vừa qua, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên học sinh nghỉ học dài ngày. Do đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tăng cường dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Tại Phú Yên, hình thức dạy học trực tuyến được nhiều trường học triển khai thực hiện nhằm ôn tập, củng cố và bồi dưỡng kiến thức cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học.

 

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, học trực tuyến đã thực sự phát huy lợi thế và mang lại hiệu quả nhất định, đáp ứng phần nào nhu cầu học tập của học sinh trong mùa dịch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc, nhất là tình trạng nơi có cơ sở vật chất tốt thì làm được, ngược lại thì khó có thể triển khai. Vậy nên dạy học theo phương pháp này không tránh khỏi tình trạng mỗi trường thực hiện một kiểu.

 

Ông Phạm Trung Thành, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân chia sẻ: Đồng Xuân là huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn nên đa phần học sinh chưa có các thiết bị hiện đại để tổ chức học tập qua internet. Do đó, việc tổ chức học tập trực tuyến khó thực hiện được.

 

Quả thật dạy trực tuyến hay truyền hình phụ thuộc vào trang thiết bị của từng gia đình, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua sắm các vật dụng như máy tính, điện thoại thông minh… Theo báo cáo của các trường, hiện nay phần lớn cơ sở vật chất, thiết bị của các trường vẫn chưa đủ để đáp ứng việc dạy và học trực tuyến. Nhiều nơi còn thiếu phòng, thiếu máy tính, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa. Do đó, trong thời gian vừa qua, nhiều trường chưa mạnh dạn triển khai, nhất là các trường học thuộc khối các phòng GD-ĐT, có nơi chỉ dừng lại ở mức giới thiệu phần mềm. Số lượng giáo viên, học sinh tham gia dạy và học trực tuyến không đáng kể.

 

Cần đầu tư đồng bộ

 

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa phát huy được tối đa hiệu quả dạy và học trực tuyến khiến không ít giáo viên và các bậc phụ huynh nghi ngờ về chất lượng, hiệu quả của hình thức dạy và học này.

 

Để có được lớp học trực tuyến thực sự, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng ngoài việc đầu tư đủ các yếu tố về nhân lực và công nghệ, điều cần thiết hơn khi triển khai học trực tuyến là phải đào tạo các kỹ năng giảng dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên cũng như chuẩn bị được kỹ năng tự học cho học sinh. Bởi thực tế thời gian “thử nghiệm” vừa qua cho thấy nhiều cơ sở giáo dục nói là triển khai dạy và học trực tuyến cho học sinh, song trên thực tế chỉ là giáo viên gửi bài tập qua zalo, facebook hoặc gửi file mềm tài liệu, slide pdf được soạn sẵn hoặc các link bài giảng được sưu tầm trên Youtube cho học sinh tự học và tham khảo, do đó chưa tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Mặt khác, các giáo viên (đặc biệt là các giáo viên lớn tuổi) cũng thừa nhận, còn lúng túng trong việc chuẩn bị giáo án và thực hành giảng online.

 

Để dạy học trực tuyến hấp dẫn học sinh và có sự đồng bộ trong triển khai, các trường thẳng thắn góp ý là ngành Giáo dục cần có sự rà soát, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực dạy học trực tuyến của giáo viên; xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng, lựa chọn và thẩm định học liệu; thông báo quy trình dạy học trực tuyến, kế hoạch tổ chức kiểm tra đánh giá cho học sinh và gia đình học sinh...

 

Việc đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh dù học theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp đều có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) mong muốn các trường phải có đầy đủ thiết bị; có hệ thống phần mềm tổ chức quản lý và dạy học trực tuyến; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn an ninh mạng, đường truyền internet và trang thiết bị sử dụng dạy học trực tuyến…

 

Căn cứ thông tư của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng nội quy dạy học trực tuyến của cơ sở mình, xác định mục tiêu, yêu cầu cần đạt của hoạt động dạy học trực tuyến để đảm bảo chất lượng dạy học. Những quy định liên quan đến dạy học trực tuyến, kế hoạch giáo dục, điều kiện đảm bảo việc dạy học trực tuyến phải được cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek