Thứ Năm, 10/10/2024 20:27 CH
Lao động đã qua đào tạo không lo thất nghiệp
Chủ Nhật, 16/08/2020 11:00 SA

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Ảnh: THÚY HẰNG

Thị trường lao động Việt Nam đã chuyển dịch theo hướng giảm dần sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo, qua đó các doanh nghiệp có cơ sở tuyển dụng, phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao.

 

Doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động đã qua đào tạo

 

Theo dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo, có 3 danh mục ngành nghề mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải qua đào tạo. Trong đó, danh mục 1 gồm 68 ngành, nghề được áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như lắp đặt giàn khoan, xây dựng công trình thủy điện, công nghệ sơn ô tô, hàn, khoan thăm dò địa chất, bảo trì và sửa chữa thiết bị hóa chất, xử lý chất thải công nghiệp và y tế... Danh mục 2 bao gồm 90 ngành, nghề sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số ngành nghề liên quan đến sức khỏe, các dịch vụ liên quan đến phục vụ con người, các ngành nghề quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (các nghề trọng điểm ở các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế), như công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, đúc dát đồng mỹ nghệ, chế tạo khuôn mẫu, cắt gọt kim loại, lắp đặt điện công trình, vận hành máy xây dựng, sửa chữa cơ khí động lực, lái tàu đường sắt... Đối với những ngành nghề còn lại sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2024.

 

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp chứng nhận, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ sơ cấp, bằng tốt nghiệp nghề, bằng tốt nghiệp các trình độ trung cấp, cao đẳng (hoặc tương đương), đại học, sau đại học; các chứng chỉ chuyên môn theo quy định của các luật chuyên ngành hoặc người có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Ngoài ra, lao động đã qua đào tạo là người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài, được Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và công nhận tương đương với các trình độ đào tạo của Việt Nam…

 

Doanh nghiệp và người lao động cùng hưởng lợi

 

Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp đối với lao động phổ thông đạt hơn 40% nhu cầu so với những nguồn nhân lực khác. Người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ kỹ năng nghề rất hạn chế. Điều này dẫn đến hệ quả là năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng của cả nền kinh tế nói chung còn chưa cao, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo... “Việc xây dựng danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động. Người lao động sẽ có ý thức hơn trong nâng cao nghề nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với quyền lợi của người lao động”, ông Vũ Xuân Hùng nhìn nhận.

 

Theo các doanh nghiệp, việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động sẽ giúp doanh nghiệp tăng được khả năng cạnh tranh. “Lâu nay, doanh nghiệp chúng tôi chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tuyển dụng những lao động đã qua đào tạo. Từ việc cải thiện chất lượng nguồn lao động giúp doanh nghiệp có nguồn lao động chất lượng cao, thúc đẩy năng suất lao động, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường”, ông Đỗ Hoàng Nhật Duy, Phòng điều hành sản xuất Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang chia sẻ.

 

Không chỉ có lợi cho doanh nghiệp, mà với mỗi công nhân khi được học tập, nâng cao tay nghề thì bản thân họ được nhiều cái lợi như có cơ hội thăng tiến trong công việc, tăng thu nhập cho bản thân… Tuy nhiên, để người lao động thực sự nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao của doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều giải pháp không chỉ giữa người sử dụng lao động với người lao động mà cần sự kết hợp hài hòa của nơi đào tạo lao động.

 

Học nghề May thời trang tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Kết nối nhà trường - doanh nghiệp

 

Những năm qua, nhu cầu nhân lực và thị trường lao động phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao. Vì vậy, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải chủ động “bắt tay” nhau trong đào tạo nguồn nhân lực.

 

TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho biết: Thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp gửi tới rất nhiều, nhất là với các ngành điện, cơ khí… đang có nhu cầu rất cao nhưng trường không có đủ sinh viên tốt nghiệp để cung cấp do số lượng thí sinh đăng ký học còn ít.

 

Tương tự tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, khi cần tuyển các ngành như cơ khí, ô tô, điện tử, quản trị nhà hàng - khách sạn… doanh nghiệp đến tận trường để tuyển hoặc tuyển dụng luôn trong quá trình sinh viên thực tập nhưng do số lượng thí sinh theo học nghề chưa nhiều nên “cầu luôn vượt cung”.

 

Theo các trường, để tạo nguồn tuyển cho mình, các doanh nghiệp thường tiếp nhận sinh viên của trường vào thực tập và lựa chọn, đào tạo để đến khi sinh viên vừa tốt nghiệp là nhận vào làm việc chính thức. Sinh viên Phan Quốc Tĩnh vừa tốt nghiệp kỹ sư thực hành ngành Kỹ thuật cơ khí, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, cho hay: Những lao động có tay nghề, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng rất dễ tìm được việc làm. Ngay như em, nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ khi đang là sinh viên nên sau khi tốt nghiệp, thử việc trong một thời gian ngắn, em đã trở thành nhân viên chính thức của Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang. Hiện nhiều sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt thành tích cao trong học tập, trong các kỳ thi tay nghề luôn được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

 

Doanh nghiệp cần những người giỏi nghề nhưng việc tuyển dụng được không hề dễ dàng, do nguồn nhân lực này đang rất thiếu. Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, dự kiến thời gian tới, nhu cầu tuyển mới của thị trường lao động năm 2021 là khoảng 815.000 người. Trong đó nhu cầu lao động trình độ cao đẳng là cao nhất. Những nghề có nhu cầu nhiều nhưng quy mô đào tạo ít gồm có may thời trang, hàn, cơ khí chế tạo, quản trị lữ hành, logistic, vận hành máy xây dựng, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính…

 

Theo Sở LĐ-TB-XH, việc tổng cục đang xây dựng danh mục ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hoặc qua đào tạo nghề mới được tuyển dụng, trình các cơ quan chức năng xem xét, ban hành, được coi là giải pháp quan trọng để chuẩn hóa kỹ năng nghề cho người lao động, nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới các đơn vị, địa phương sẽ tập trung tuyển sinh, đào tạo các nghề chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường; phát triển mô hình doanh nghiệp trong nhà trường, nhà trường trong doanh nghiệp… Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 51%.

 

Nếu doanh nghiệp sử dụng người lao động đã qua đào tạo bài bản và có kỹ năng nghề thì năng suất lao động sẽ cao, hạn chế được tai nạn lao động và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek