Ngày 10/8, ngày cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đã diễn ra với ba bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN), Khoa học xã hội (KHXH) và Ngoại ngữ. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tình hình an ninh, trật tự tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.
Các bài thi vừa sức với thí sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã kết thúc an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Sở sẽ rà soát lại những trường hợp vắng thi hoặc chưa dự thi được do dịch COVID-19, nếu các em đủ điều kiện được xét đặc cách thì sở sẽ xem xét để đảm bảo quyền lợi này cho các em. Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường |
Điểm mới của kỳ thi năm nay là mỗi thí sinh chỉ được chọn một trong hai bài thi KHTN hoặc KHXH, không được chọn cả hai bài thi như các năm trước. Tại Phú Yên, số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH nhiều hơn với 6.340 thí sinh, trong khi chỉ có 3.443 thí sinh chọn bài thi KHTN. Thời gian thi của hai bài thi này diễn ra cùng lúc trong sáng 10/8.
Thí sinh Nguyễn Trần Bảo Trâm, lớp 12 Văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh dự thi tổ hợp KHXH cho rằng, trong ba môn thi KHXH thì môn Lịch sử khó nhất, hai môn Địa lý và Giáo dục công dân dễ. Theo Bảo Trâm, đề Lịch sử năm nay có 40 câu với 2 phần, phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Đề ra tập trung kiến thức trong học kỳ 1 của năm lớp 12. Trong đó, phần lịch sử thế giới dễ, nhưng phần lịch sử Việt Nam thì khó, có những câu hỏi rất lạ. Từ câu 20 đến câu 40 bắt đầu khó dần. Vì thế môn Lịch sử em làm được khoảng 60%. Đối với môn Địa lý, được sử dụng Atlat nên dễ lấy điểm, còn môn Giáo dục công dân đề ra vừa sức với học sinh. Hai môn này em làm được khoảng 80%.
Đối với bài thi tổ hợp KHTN, nhiều thí sinh cho biết đề năm nay vừa sức. Thí sinh Đinh Trọng Nghĩa, lớp 12TC1 Trường phổ thông Duy Tân làm bài thi tổ hợp KHTN, cho hay: Trong ba môn thi KHTN, Vật lý và Hóa học em làm được 80%, còn môn Sinh học hơi khó, trong đó khó nhất từ câu 30 đến câu 40. Còn em Hồ Hoài Thu, lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: Cấu trúc đề các môn thi thuộc bài thi KHTN giống như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Đối với môn Hóa học, nội dung đề nằm trong chương trình lớp 12 nhiều hơn chương trình lớp 11, chỉ có câu hỏi phân bón và bài toán muối ngậm nước là liên quan đến chương trình lớp 11. Còn môn Vật lý, tuy lý thuyết nhiều nhưng lại dễ. Chỉ có môn Sinh học hơi khó nên em làm được khoảng 50% nội dung đề ra.
Nhận xét về đề thi môn Hóa học, thầy Lê Văn Minh giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) nói: Đề Hóa năm nay ra trọng tâm chuẩn kiến thức, đề bám sát cấu trúc đề minh họa và nội dung giảm tải của Bộ GD-ĐT. Đề không đánh đố gây khó cho học sinh, phù hợp với hoàn cảnh dịch COVID-19. Trong đề Hóa học có 6 câu vận dụng cao để phân loại học sinh khá, giỏi cho các trường đại học top đầu tuyển sinh. Dự đoán phổ điểm từ 6-8 điểm rất nhiều.
Ngoại Ngữ là môn thi cuối cùng của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và cũng là môn thi bắt buộc, nên sau khi hoàn thành môn thi này nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm. Theo nhận xét của nhiều thí sinh, phần ngữ pháp vừa sức đối với các em, còn phần đọc hiểu có các từ vựng khó nên nhiều thí sinh không tự tin với kết quả làm bài. Thí sinh Lê Xuân Thảo ở Trường THPT Trần Suyền, cho biết đề môn Tiếng Anh khó ở phần từ vựng, còn các câu hỏi khác thì dễ. Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm trung bình, còn để đạt điểm cao thì không dễ.
Thí sinh chỉ được tháo khẩu trang khi giám thị kiểm tra thẻ dự thi. Ảnh: THÚY HẰNG |
Đảm bảo công bằng, khách quan trong chấm thi
Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, công tác vận chuyển, bàn giao bài thi của thí sinh từ điểm thi về Hội đồng thi được tiến hành khẩn trương, đúng quy trình. Hội đồng chấm thi của tỉnh được đặt tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường, ngày 11/8, Phú Yên bắt đầu chấm thi. Đội ngũ chấm thi là giáo viên THPT trên địa bàn tỉnh. Để bảo đảm tính khách quan, công bằng trong chấm thi, tại khu vực chấm thi bố trí các thiết bị phòng chống cháy nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi… phải có sự chứng kiến của công an, thanh tra và ghi nhật ký đầy đủ. “Với sự chuẩn bị chu đáo này, công tác chấm thi sẽ đảm bảo được tính khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh”, ông Cường nói.
Theo quy chế, những thí sinh không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Dự kiến ngày 27/8, Sở GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Sau khi công bố kết quả thi, mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi; thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi.
CÔ DƯƠNG THỊ THIÊN THƯ, TỔ PHÓ TỔ SỬ - ĐỊA - GIÁO DỤC CÔNG DÂN, TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI: Đề Địa lý bám sát chuẩn kiến thức
Đề môn Địa lý năm nay bám sát chuẩn kiến thức, sát với đề tham khảo với 4 mức: nhận xét, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung phù hợp với năng lực học sinh, không quá khó, song cũng đòi hỏi học sinh phải yêu thích môn Địa lý mới làm bài tốt một số câu hỏi có tính tư duy. Thí sinh phải đọc kỹ đề mới lựa chọn đúng đáp án, đặc biệt phần lý thuyết. Ví dụ: mã đề 311, chỉ cần học sinh thành thạo các kỹ năng đọc Atlat, quan sát kỹ các đối tượng địa lý sẽ hoàn thành tốt 14 câu; biểu đồ và bảng số liệu không quá khó. Về lý thuyết, kiến thức có sự phân hóa rải đều các chủ đề nên học sinh phải đọc thật kỹ, vì đáp án có sự giống nhau phải tìm được chìa khóa mới chọn đúng đáp án.
Nhìn chung đề Địa lý năm nay học sinh trung bình sẽ hoàn thành được 60%, học sinh khá sẽ hoàn thành được khoảng 70%. Còn để đạt điểm 9, 10 thì hơi khó.
CÔ HỒ THỊ THU NGÂN, TỔ PHÓ TỔ TIẾNG ANH, TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI: Môn Tiếng Anh khó đạt điểm 10
Nhìn chung đề thi môn Tiếng Anh năm nay tương đối dễ thở. Phần ngữ pháp bám sát chương trình lớp 11, lớp 12 và có sự giảm tải, nhẹ nhàng hơn. Cấu trúc đề bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Đối với phần ngữ pháp nối câu, phần đồng nghĩa, phản nghĩa và phần đọc hiểu có sự phân hóa thí sinh. Mặc dù đề nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi thí sinh phải có vốn từ vựng nhiều để làm các câu hỏi, trong khi phần ngữ pháp ít hơn, nên thí sinh làm bài có thể điểm không cao. Đối với đề thi này, học sinh trung bình làm tầm 5-6 điểm, còn học sinh khá, giỏi khả năng đạt 7-9 điểm, khó có điểm 10. |
THÚY HẰNG - TRUNG HIẾU