Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành 2 đợt. Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sẽ chủ động điều chỉnh các phương án tuyển sinh.
Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh
Theo các trường, thí sinh phải dự thi đợt 2 đừng quá lo lắng vì các trường sẽ dành lại chỉ tiêu để đảm bảo quyền lợi cho các em đủ điều kiện được tham gia xét tuyển. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH, CĐ trên tinh thần tự chủ đại học xem xét điều chỉnh các phương án xét tuyển sinh và đề án tuyển sinh đã công bố, trong đó cần đảm bảo tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT, các trường dành tỉ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch COVID-19 chưa tham gia được kỳ thi tốt nghiệp THPT (thi từ ngày 8-10/8). Ngoài ra, các trường cũng cần công bố công khai để thí sinh biết và an tâm về cách phân bổ chỉ tiêu các đợt hợp lý. Nguyên tắc chung của Bộ GD-ĐT là đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh về điều kiện được xét tuyển và chất lượng đầu vào nguồn tuyển sinh.
Theo đề án tuyển sinh mà các trường ĐH, CĐ đã công bố thì dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT thi làm 2 đợt nhưng việc tuyển sinh ĐH cơ bản sẽ không gặp khó khăn gì nhiều. Việc lùi lại một thời gian có thể chấp nhận được khi các trường ĐH, CĐ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, đào tạo. Thí sinh không thi tốt nghiệp THPT thì không tham gia xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi nhưng vẫn có thể tham gia xét tuyển học bạ. Bởi hầu như các trường ĐH đều có nhiều phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… Mỗi phương thức có tỉ lệ xét tuyển nhất định nên thí sinh trong diện không thi tốt nghiệp THPT cũng bớt thiệt thòi.
Để dành chỉ tiêu cho đợt 2 thi tốt nghiệp THPT
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho biết trường sẽ dành chỗ cho thí sinh phải thi đợt 2 nếu các em đăng ký vào trụ sở chính hay Phân hiệu tại Đà Nẵng. Theo thống kê, có khoảng 100 thí sinh Quảng Nam, Đà Nẵng có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Xây dựng Miền Trung bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay.
Hiện phần lớn các trường sẽ căn cứ vào tỉ lệ thí sinh đăng ký vào trường ít hay nhiều để dành chỉ tiêu phù hợp cho xét tuyển đợt 2 đối với thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Theo thống kê, trường có khoảng 500 thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay. Trường sẽ tính toán dành chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 tương ứng với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng sẽ tính toán số chỉ tiêu xét tuyển dành cho thí sinh dự thi đợt 2. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển trường này để lại cho đợt 2 sẽ tùy theo ngành. Trong đó, trường sẽ dành riêng chỉ tiêu với những ngành thí sinh tham gia xét tuyển nhiều với khoảng 5-10% tổng chỉ tiêu ngành. Còn những ngành thí sinh chỉ xét tuyển 1-2 người, việc tham gia xét tuyển ở đợt 2 nếu có cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Năm nay, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh có 46.000 thí sinh đăng ký, trong đó có chưa tới 1.100 thí sinh của hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong khi theo số liệu thí sinh đã trúng tuyển vào trường trong 3 năm gần nhất cho tất cả phương thức xét tuyển, mỗi năm cũng chỉ có khoảng 140-150 thí sinh của 2 địa phương này (chưa tới 2% chỉ tiêu). Do vậy, trường này sẽ rà soát kỹ tất cả các số liệu để có thể tính toán chỉ tiêu cho thí sinh dự thi đợt 2, với tinh thần chung là sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh có thể tham gia xét tuyển vào trường nếu đủ điều kiện đầu vào.
THÚY HẰNG