Ngày 9/8, cùng với thí sinh cả nước, hơn 10.000 thí sinh của tỉnh Phú Yên bước vào ngày thi đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với hai môn Ngữ văn và Toán.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Phú Yên, trong buổi thi môn Ngữ văn có 10.079 thí sinh dự thi, vắng 38 thí sinh. Buổi chiều thi môn Toán, 39 thí sinh vắng thi, trong đó có 1 thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) bị tai nạn giao thông trên đường đến điểm thi nên không thể dự thi.
An toàn, trật tự tại các điểm thi
Kết thúc ngày thi thứ nhất, Phú Yên không có thí sinh cũng như cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. An ninh trật tự trường thi, phòng thi đảm bảo. |
Năm nay do tình hình dịch COVID-19, nên công tác ổn định tổ chức tại 22 điểm thi được tiến hành sớm hơn so với năm trước. 5 giờ 40, nhiều phụ huynh đã đưa con, em mình đến điểm thi để đội ngũ y tế đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi. Tại các phòng thi, khoảng 6 giờ 15, các thí sinh được cán bộ coi thi gọi vào phòng thi để ổn định chỗ ngồi và nhận phiếu làm bài thi.
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ - điểm thi có nhiều thí sinh dự thi nhất tỉnh với 35 phòng thi, hơn 800 thí sinh có mặt rất sớm để đội ngũ y tế đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay từ cổng trường. Thầy Huỳnh Xuân Mai, Trưởng điểm thi này cho biết: Các khâu để đảm bảo cho kỳ thi cũng như công tác phòng chống dịch COVID-19 tại điểm thi được thực hiện nghiêm túc, kỹ càng để tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh. Trong suốt quá trình thi, các thí sinh thực hiện việc đeo khẩu trang. Kỷ luật phòng thi được siết chặt nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi.
Tương tự, tại các điểm thi khác trên địa bàn tỉnh, tình hình an ninh trật tự cũng được giữ vững. Ông Lê Đình Mạnh, Trường Sĩ quan Thông tin, làm nhiệm vụ thanh tra tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, cho hay: “Là lực lượng thanh tra do Bộ GD-ĐT cử làm nhiệm vụ tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, tôi thấy công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Phú Yên rất tốt, không chỉ cơ sở vật chất đảm bảo mà công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng được đơn vị thực hiện nghiêm túc đúng theo hướng dẫn của các bộ GD-ĐT, Y tế…”.
Để tiếp sức cho thí sinh, tại các điểm thi, Đội Tiếp sức mùa thi nhiệt tình tiếp nước uống, bánh ngọt cho các sĩ tử và phụ huynh ngồi chờ gần điểm thi.
Thí sinh thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Tuy Hòa) trao đổi đề Ngữ văn sau khi thi xong. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Đề thi không khó
Sau 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận, các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng thoải mái. Nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó. Đề thi được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) ra một đoạn trích về cách sống từ bình thường trở nên phi thường, với 4 câu hỏi; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Trong đó, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích.
Em Võ Duy Long, lớp 12B2 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cho biết: “Đề văn năm nay không khó nhưng có sự phân hóa ở phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Bản thân em học bên khoa học tự nhiên, nhưng vẫn làm được khoảng 70-80% nội dung đề ra. Còn em Nguyễn Phương Như, lớp 12A3 Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa), chia sẻ: Đề Ngữ văn năm nay giống như đề minh họa của Bộ GD-ĐT và đề ra tương đối dễ. Với đề thi này, em làm được khoảng 80% nội dung đề bài yêu cầu và làm đủ thời gian 120 phút.
Tương tự đối với môn Toán, theo ghi nhận của phóng viên tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, đa số thí sinh cho biết đều làm được từ câu 1 đến câu 30, từ câu 31 trở đi thì mức độ khó tăng dần. Một nhóm thí sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho biết, đề Toán có tính phân loại thí sinh cao. Với 30 câu hỏi đầu, hầu như thí sinh nào cũng dễ dàng có được đáp án đúng. Theo nhận định của nhóm thí sinh này thì đề năm nay, thí sinh dễ lấy điểm trung bình, còn để đạt điểm tối đa thì không dễ.
Là một trong những thí sinh hoàn thành bài thi khá sớm, em Nguyễn Lê Duy, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho rằng, đề năm nay không quá khó nhưng vẫn đảm bảo tính phân loại thí sinh. “Đối với em, từ câu 1 đến câu 35 khá dễ. Từ câu 35 đến câu 50, độ khó tăng dần, nhất là 5 câu cuối rất khó để phân loại học sinh giỏi thật sự. Em làm được 95% bài thi. Đây là môn thi lấy điểm xét đại học nên em tự tin vào kết quả thi lần này”, Duy nói.
Hôm nay (10/8), thí sinh thi các bài thi còn lại là Khoa học xã hội/Khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ.
THẦY HUỲNH TẤN CHÂU, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Toán dễ, sẽ có không ít điểm 10
Đề Toán năm nay bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, cả về nội dung, kiến thức và mức độ yêu cầu. Câu hỏi sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, mức độ yêu cầu nhẹ hơn so với năm 2019, phù hợp với điều kiện học tập, ôn tập trong thời kỳ dịch COVID-19. Trong 50 câu thì có 8 câu vận dụng và 7 câu cuối cùng là vận dụng cao. Các câu vận dụng cao tương đối khó, đòi hỏi học sinh phải học giỏi Toán, có kỹ năng làm bài tốt mới giải quyết được. Tuy nhiên, những câu hỏi này tương đối giống các câu hỏi trong đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, các em được ôn luyện nhiều nên nhiều khả năng các em sẽ giải quyết được.
Đề có đến 90% nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 12, phần còn lại thuộc lớp 11. Phổ điểm phổ biến sẽ từ 7-8 điểm. Học sinh giỏi, xuất sắc có thể đạt điểm 9-10. Điều này sẽ giúp các trường đại học dễ dàng tuyển sinh, nhất là với các trường tốp đầu.
THS HỒ TẤN NGUYÊN MINH, TỔ TRƯỞNG TỔ NGỮ VĂN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Đề Ngữ văn bám sát chương trình tinh giản của bộ
Nhìn chung đề thi Ngữ văn năm nay được ra theo cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình lớp 12 và chương trình tinh giản của bộ với mức độ nhẹ nhàng, dạng câu hỏi quen thuộc nên không làm khó hay đánh đố thí sinh.
Phần đọc hiểu có 4 câu hỏi thì đều ở dạng quen thuộc, mức độ dễ nên học sinh sẽ dễ dàng làm được. Câu nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày. Trong hoàn cảnh COVID-19 đang đe dọa cuộc sống mỗi ngày của con người thì vấn đề đặt ra ít nhiều có ý nghĩa nên không làm khó thí sinh.
Câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân trong một đoạn thơ bài “Đất nước” (Trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm). Đoạn thơ nói về những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh qua bao nhiêu thế hệ đã bền bỉ, lặng thầm góp sức mình bảo vệ và dựng xây đất nước. Đây là một vấn đề có ý nghĩa thực tế, gợi cho ta liên tưởng đến những “anh hùng thầm lặng, vô danh” trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 của cả nước. Câu này chỉ ra một mức độ cơ bản mà không kèm theo yêu cầu nâng cao như mọi năm. Vì đề dễ nên độ phân hóa thấp, nhiều học sinh sẽ làm được, dự đoán điểm sẽ cao. Đề này phù hợp với mức độ xét tốt nghiệp, còn dùng để xét đại học thì chưa phù hợp lắm. |
THÚY HẰNG - TRUNG HIẾU