Luật Giáo dục đại học sửa đổi vừa được thông qua, vấn đề tự chủ của các trường đại học chính thức được luật hóa. Như vậy, các trường có cơ sở pháp lý để tự chủ, không còn phải thí điểm theo Nghị quyết 77 như thời gian vừa qua, song trên thực tế, để tự chủ hoàn toàn là điều không dễ.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, quyền tự chủ của các trường đại học được làm rõ hơn rất nhiều so với Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Thậm chí, một số quyền tự chủ của các trường đại học còn được mở rộng.
Chẳng hạn như cơ cấu tổ chức của trường được đưa vào quy chế hoạt động của trường; quy định chặt chẽ hơn về kiểm định, mở ngành, hợp tác đào tạo; hành lang pháp lý về hội đồng trường, quyền của hội đồng trường được làm rõ hơn, trong đó hội đồng trường có quyền quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận…
Bên cạnh những tác động tích cực, theo các trường, khó nhất của tự chủ đại học là tự chủ về nhân lực và tài chính. “Tự chủ về nhân lực và tài chính là những vấn đề quan trọng của tự chủ đại học, nếu không đảm bảo về đội ngũ giảng dạy và nguồn thu sẽ là thách thức lớn”, TS Nguyễn Định, Quyền Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết.
Theo TS Nguyễn Định, quyền tự chủ của trường đại học đã được thừa nhận nhiều năm nay nhưng chưa tạo ra chuyển biến đáng kể, một phần do những vướng mắc về cơ chế, nhưng một phần quan trọng khác là do các trường chưa đủ năng lực để thực hiện được điều này.
Hiện hầu hết các trường còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu học phí, trong khi bối cảnh tuyển sinh hiện nay gặp nhiều khó khăn và nhiều biến động, nguồn thu học phí trở nên không bền vững, nguy cơ rủi ro cao nếu nhu cầu thị trường lao động bão hòa.
Thực tế tuyển sinh những năm gần đây của các trường đại học trên địa bàn tỉnh đều gặp không ít khó khăn do tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đề ra, trong khi tự chủ đại học bao gồm cả tự chủ tuyển sinh. Khi các trường phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu học phí, việc tuyển sinh khó khăn dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Ngoại trừ khối ngành sư phạm do Bộ GD-ĐT quyết định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, các cơ sở giáo dục khác với “lợi thế” tự quyết điểm sàn sẽ dẫn đến nguy cơ hạ chuẩn để “vét” thí sinh nhằm có được nguồn thu.
Quyền tự chủ một mặt đảm bảo cho trường đại học được tự quyết định các vấn đề của mình, nhưng mặt khác lại đề cao trách nhiệm của nhà trường trước xã hội. Nghĩa là các trường phải tự xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, để Nhà nước đủ tin tưởng “đặt cọc”, “đặt hàng” đào tạo.
Sinh viên Trường đại học Phú Yên tự học tại Thư viện trường - Ảnh: THÚY HẰNG |
TS Nguyễn Định chia sẻ: Theo kế hoạch, đến năm 2021, Trường đại học Phú Yên thực hiện tự chủ. Để thực hiện được điều này, trường phụ thuộc vào UBND tỉnh. Hiện nhà trường đang từng bước củng cố về nhân lực giảng dạy để đảm bảo chuẩn về đội ngũ giảng viên; bám sát yêu cầu của địa phương để rà soát các ngành nghề đào tạo nhằm thu hút thí sinh.
Trước sự bão hòa về nhân lực sư phạm, nhà trường sẽ cắt giảm dần chỉ tiêu đào tạo ở lĩnh vực này để tăng cường chỉ tiêu cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, nông - lâm - ngư nghiệp phù hợp với yêu cầu nhân lực của địa phương. Bên cạnh đó, để tăng nguồn thu, nhà trường sẽ tổ chức các chương trình bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên theo yêu cầu thực tế của ngành Giáo dục hiện nay.
PGS-TS Nguyễn Vũ Phương, Quyền Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho hay: Theo lộ trình, năm 2020, nhà trường phải thực hiện tự chủ đại học. Tuy nhiên, để làm được điều này là không dễ. Để từng bước thực hiện điều này, năm học 2018-2019, Trường đại học Xây dựng Miền Trung quán triệt phương châm lấy người học làm trung tâm.
Nhà trường phải là người phục vụ trong quá trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học; chỉ đạo các tổ bộ môn tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá phù hợp với chuẩn đầu ra của từng học phần; rà soát, điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chi thường xuyên 100% được tự chủ xác định học phí. Điều này đã đặt ra những lo ngại về việc các trường tự chủ sẽ đồng loạt tăng học phí, gây khó khăn cho người học. Trấn an những lo lắng này, Bộ GD-ĐT khẳng định theo quy định, khi Nhà nước không cấp kinh phí, để bảo đảm chất lượng đào tạo, nhà trường xác định học phí phù hợp.
Nhưng luật cũng đặt ra nguyên tắc chung là học phí được xác định dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật. Nhà nước có công cụ giám sát các trường trong việc định ra mức học phí hợp lý, phù hợp với chất lượng đào tạo, đồng thời nhà trường phải có trách nhiệm công khai, minh bạch, giải trình, thông báo mức học phí để sinh viên lựa chọn.
THÚY HẰNG