2018 có thể nói là một năm an toàn của ngành Giáo dục Phú Yên trong khi ngành Giáo dục cả nước có nhiều sóng gió bủa vây bởi gian lận điểm thi THPT quốc gia; các vụ bạo hành, xâm hại tình dục học sinh; nhiều nhà giáo bị cắt hợp đồng, mất việc… Song, ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng đối mặt với nhiều khó khăn; cần có sự bứt phá để tạo điểm nhấn trong năm 2019.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, trong năm 2018, một số điểm nhấn của ngành, đó là tỉ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non trẻ 5 tuổi được nâng lên, đạt 100%; tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ 3-4 tuổi tăng 0,7% so với năm học trước; không còn phòng học tạm, học nhờ ở bậc mầm non… Bên cạnh đó, 9/9 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 97,4% (tăng hơn 0,29% so với năm 2017). Số lượng và chất lượng trường chuẩn tăng mạnh, 175/450 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó huyện Phú Hòa có 100% trường THCS đạt chuẩn. Tỉnh giữ vững số lượng giải kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cao hơn mọi năm về chất lượng giải với 2 giải nhì, 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Có hai học sinh được Bộ GD-ĐT triệu tập tham dự vòng dự tuyển Olympic Toán và Hóa học quốc tế.
Đáng chú ý, em Nguyễn Hưng Quang Khải (lớp 12 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) xuất sắc đạt huy chương vàng Kỳ thi Toán học không biên giới tại Bulgaria. Tỉnh cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm dạy thêm học thêm. Trong năm 2018, không có hiện tượng tiêu cực xảy ra; hạn chế tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông, đuối nước.
Theo đánh giá chung của cán bộ quản lý và giáo viên cũng như sự nhìn nhận của lãnh đạo Sở GD-ĐT, 2018 là năm khá an toàn của ngành Giáo dục tỉnh nhà. Không có nhiều điểm nhấn nổi bật, nhưng ngành cũng không “vướng” phải những tiêu cực, khiến xã hội phải phản ứng, người dân lên án. Toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu năm học 2017-2018; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Song, vẫn phải thừa nhận, bên cạnh những mặt được, ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục theo hướng đổi mới; việc thực hiện biên chế giáo viên mầm non theo Thông tư 06 chưa được triển khai; chưa bố trí được nhân viên y tế trường học; việc tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 của Chính phủ còn nhiều bất cập… Đặc biệt, tình trạng sáp nhập trường học tại các địa phương theo Kế hoạch 58/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, còn mang tính cơ học. Theo TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên khi Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn về việc sáp nhập trường học thì các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc sáp nhập trường học. Cho nên gây nhiều khó khăn về quy mô lớp học, bố trí nhân viên, cản trở cho việc đánh giá kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Về lâu dài, với những trường sáp nhập quá số lớp mà Bộ GD-ĐT quy định, các địa phương phải có sự sắp xếp lại cho hợp lý.
Năm 2019, cùng với cả nước chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục sẽ triển khai một số chương trình lớn, trong đó ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học và quản lý giáo dục đáp ứng thời đại công nghiệp 4.0 và nhất là triển khai thực hiện Chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2021 trên địa bàn tỉnh cho học sinh mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2 theo Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh.
KHÁNH HÀ